Đóng tàu vỏ thép ở Bình Định: Hợp đồng một đằng, thực hiện một nẻo

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, tỉnh Bình Định đã có 44 tàu đi vào hoạt động; trong đó có 37 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 3 tàu vỏ composite.

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động, đã xuất hiện nhiều tàu vỏ thép bị sự cố như hư hỏng về vỏ tàu, máy móc , trang thiết bị trên tàu … nhưng chưa được các cơ sở đóng tàu sửa chữa, bảo hành kịp thời. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất, cũng như việc trả gốc và lãi vốn vay cho ngân hàng nên gây bức xúc cho các chủ tàu.

Các tàu vỏ thép được đóng mới bàn giao cho ngư dân đang neo đậu tại cảng Tam Quan, Hoài Nhơn (Bình Định).

Qua đơn kiến nghị của các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng gửi cho các Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng), cùng các ngành chức năng tỉnh Bình Định, cũng như tìm hiểu của phóng viên với các chủ tàu cá đang neo đậu tại Cảng Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát và khu vực gần bờ biển Hà Ra, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ để chờ sửa chữa, được biết, tất cả sự cố về tàu vỏ thép của tỉnh Bình Định là do các đơn vị đóng tàu đã thực hiện không đúng những điều khoản hợp đồng đã được các bên ký kết. Nội dung hợp đồng “một đằng” nhưng lại thực hiện “một nẻo”, nên dẫn đến chất lượng vỏ tàu, cả việc trang bị máy móc, thiết bị vừa không đúng quy định tiêu chuẩn và lại thiếu hoàn chỉnh cho một con tàu ra khơi đánh bắt an toàn.

Cụ thể, kiểm tra mới đây của các ngành chức năng tỉnh và địa phương tại 5 con tàu vỏ thép do Công ty TNHH Nam Triệu đóng có 4 tàu thân bị gỉ sét, hà bám nhiều; toàn bộ máy điện bị hư hỏng hoặc không tốt (đáng lý hộp máy số 5 cấp, được thay bằng hộp số máy chỉ có 3 cấp); hầm đá không giữ được lạnh, dẫn đến tiêu hao đá nhiều. 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọng bị han rỉ, đứt gãy.

Đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, cũng qua kiểm tra 5 tàu thì cả 5 tàu bị sơn tróc, vỏ tàu gỉ sét nặng; hệ thống đường van, ống bị gỉ sét bong tróc nặng và hầm bảo quản thoát nước kém; hệ thống lạnh không tốt và 2 tàu hệ thống lái bị hư hỏng, chảy dầu.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ là chủ tàu BĐ 99567-TS cho biết, tàu của ông được hợp đồng đóng mới với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Theo hợp đồng thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng, nhưng phải kéo dài hơn một năm. Tàu có tổng công suất 811 CV và tổng số tiền trên 15,2 tỷ đồng, tàu được hạ thủy ngày 20/8/2016 và đã đi được 4 chuyến bằng nghề lưới vây. Nhưng do thiết kế thân tàu không phù hợp nên trong qua trình sản xuất lưới bị cuốn vào đuôi tàu, chân vịt bị hư hỏng và mất lưới. Sau đó chuyển sang hành nghề lưới chụp.

Theo hợp đồng vỏ tàu được đóng bằng thép Hàn Quốc/Nhật bản. Nhưng khi thi công nhà máy cho đóng bằng vỏ thép hiệu China (Trung Quốc) nên tàu hành nghề chưa hết thời gian bảo hành đã bị gỉ sét. Cũng theo hợp đồng, tàu được trang bị 2 máy điện, một máy chính. Nhưng sau khi đóng tàu do không thực hiện đúng thiết kế, nên boong tàu chính chỉ bố trí được một máy chính và một máy điện và loại sơn không đảm bảo.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý, thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, chủ tàu BĐ 99004-TS cho biết, ông ký hợp đồng với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng tàu. Tổng số tiền 15,9 tỷ đồng, tàu được bàn giao vào tháng 8/2016 và đến nay đã đi biển được 4 chuyến và hành nghề lưới vây. Nhưng cũng như các tàu khác do lỗi thiết kế thân tàu nên khi hoạt động lưới bị cuốn vào chân vịt hư hỏng, mất lưới, thân tàu bị gỉ, sét, máy hao dầu và nhiều trang thiết bị bị thiếu như tời, cảo và máy dò cá theo định giá của nhà máy lên 1,45 tỷ đồng. Nhưng khi về địa phương các nhà cung cấp và tàu bạn đánh giá loại máy cùng loại mà họ trang bị chỉ có 400 triệu đồng. Hiện tàu đang nằm tại cảng cá Đề Gi chờ Công ty đến để sửa chữa.

Còn ngư dân Nguyễn Công Quí, thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, chủ tàu BĐ 99888-TS, lại cũng bức xúc cho biết, tàu của ông do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Ông được vay vốn ngân hàng 13,8 tỷ đồng và thế chấp 4 sổ đỏ của gia đình và anh em để vay thêm 730 triệu đồng (vốn đối ứng). Nhưng cũng sau 2 chuyến đi biển bị lỗ nặng và sau đó tàu bị hư hỏng máy chính phải vào bờ gần 4 tháng phải kêu gọi Công ty TNHH MTV Nam Triệu vào khắc phục. Do thời gian nằm bờ lâu và thời hạn trả gốc lẫn lãi vốn vay gặp rất nhiều khó khăn, nên đến nay phía ngân hàng thông báo nếu không trả đúng hạn, thì sẽ làm thủ tục chuyển bán tàu cho chủ khác. Nếu điều đó xảy ra thì chủ tàu rơi vào tình cảnh trắng tay, không còn nhà cửa và sinh kế để trả nợ.


Nhưng có lẽ trong 10 tàu vỏ thép bị sự cố, thì tàu BDD99179-TS của ông Mai Văn Chương, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, Phù Cát bị hư hỏng nặng nề nhất. Con tàu mới chỉ được đưa vào hoạt động vài tháng nay mà nhìn như tàu đã bước vào giai đoạn sắp cho “nghỉ hưu”. Toàn bộ thân tàu bị gỉ ,sét, các hệ thống máy móc, thiết bị, boong tàu, máy móc ở phía trên và trong boong tàu bị hư hỏng rất nặng. Ông Mai Văn Chương, buồn rầu cho hay, tàu đầu tư trên 14 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Bây giờ đang nằm bờ chờ công ty đến sửa chữa. Vì hư hỏng quá nặng nên ông đã đề nghị Công ty TNHH Đại Nguyên Dương với trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Trong cuộc làm việc mới đây giữa các ngư dân có tàu bị sự cố, các đơn vị đóng tàu và các ngành chức năng địa phương, lãnh đạo Công ty TNHH Nam Triệu cam kết chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố, hư hỏng máy chính, máy phát điện và vỏ cho chủ tàu; hỗ trợ 100 % chi phí thiết kế chuyển đổi nghề khai thác từ lưới vây sang lưới chụp nếu chủ tàu có đầy đủ hồ sơ. Đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đề nghị các chủ tàu đưa tàu ra Nam Định để công ty bảo hành sửa chữa và sơn lại toàn bộ thân tàu theo yêu cầu của ngư dân và công ty chịu 100% chi phí sửa chữa và hỗ trợ mỗi chủ tàu 14 triệu đồng (1 tấn dầu) để đưa tàu đi sửa chữa.

Ông Trần Châu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh đã kiên quyết đề nghị các đơn vị đóng tàu khẩn trương sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng của chủ tàu để sớm đưa tàu vào hoạt động. UBND tỉnh sẽ thành lập Tổ thẩm định chất lượng, giá trị tôn đóng tàu để giải quyết dứt điểm về thép đóng tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và thành lập Tổ kiểm tra chất lượng, thẩm định máy thủy chính mới và hộp số đồng bộ của tàu đề xuất giải quyết đối với Công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Bài và ảnh: Viết Ý (TTXVN)
Nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định đứng trước nguy cơ bị phá sản
Nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định đứng trước nguy cơ bị phá sản

Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định cho biết, đến nay tỉnh có 11 chủ tàu vỏ thép mới được bàn giao đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng đã đứng trước nguy cơ bị phá sản do làm ăn kém hiệu quả và chất lượng đóng tàu không đảm bả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN