Di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô - Bài 1: Ì ạch tiến độ

Thiếu những giải pháp đủ mạnh là nguyên nhân khiến chủ trương di dời các bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội không biết khi nào mới thành hiện thực.

“Cố thủ”

Thực hiện Luật Thủ đô, từ năm 2012 đến nay, có 6/30 bộ, ngành di dời tới trụ sở mới, là Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Công an, Ngoại giao. Tuy nhiên, không ít đơn vị trực thuộc các bộ, ngành này vẫn “bám trụ” tại trụ sở cũ, chưa bàn giao quỹ đất cho TP Hà Nội làm không gian công cộng. Các bộ, ngành còn lại thì cố thủ, khiến hạ tầng Thủ đô ngày càng nhiều áp lực.

Ông Trần Viết Chiến, nguyên cán bộ Viện Thiết kế xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), phân tích: Hiện nay, trụ sở của 30 bộ, ngành Trung ương tập trung chính ở 2 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, đang gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông đô thị tại chỗ, vì đã quá chật chội so với con số hàng ngàn cán bộ, viên chức đang làm việc tại mỗi cơ quan, kéo theo đó là số lượng lớn phương tiện tương đương đi kèm tham gia giao thông, tìm chỗ đỗ xe và gây ô nhiễm môi trường…

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Công Thương đã được sửa chữa khang trang, hiện đại. Ảnh Tiến Hiếu.

Chia sẻ về thực tế này, theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay, việc các bộ, ngành chậm di dời là do quy hoạch xây dựng phát triển đô thị của thành phố chưa rõ ràng đâu là cơ quan hành chính, đâu là khu dân cư, đâu là các hạ tầng công cộng. Quy hoạch này phải chuẩn xác, khoa học, làm căn cứ để thúc đẩy các bộ, ngành di dời nhanh hơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng các chủ thể phải di dời có ảo tưởng “đất vàng” sinh lợi, nên kỳ vọng “cố thủ” để làm chủ.

Đơn cử, qua rà soát của Phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội), mặc dù trụ sở mới khang trang của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã chuyển tới số 10 phố Tôn Thất Thuyết từ năm 2012, với tổng diện tích sàn gần 3 ha, rộng gấp 3,8 lần trụ sở cũ, nhưng đến nay, trụ sở cũ của Bộ ở số 83 phố Nguyễn Chí Thanh vẫn “cố thủ” và hiện đã được cải tạo, sửa chữa thành khu liên cơ quan cho một số đơn vị của Bộ tiếp tục làm việc. Hay Bộ Công an trước đây, đã cam kết với thành phố là sau khi hoàn thành xây dựng, đến trụ sở mới trên đường Phạm Văn Đồng, sẽ trả lại trụ sở tại 40 phố Hàng Bài, nhưng đến nay vẫn “án binh, bất động”. Thậm chí, trụ sở cũ còn được xây dựng mới…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Trần Thị Dung bày tỏ, thực hiện Luật Thủ đô, các bộ, ngành thuộc diện di dời đều được TP Hà Nội bố trí quỹ đất rộng ngoài nội đô, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan bố trí, xây dựng công năng trụ sở phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế, sau đó trả lại quỹ đất cho thành phố ưu tiên phát triển các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng, giãn tải hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay sau 8 năm thực hiện Luật Thủ đô, nhiều bộ, ngành “thờ ơ”, không những không di dời, mà các bộ, ngành di dời vẫn cố thủ không bàn giao cho Hà Nội. Điều này đã và đang tạo ra sức ép về hạ tầng, dân số, đi ngược với chủ trương của Chính phủ.

Chưa hết, Quyết định số 130/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời nêu rõ: Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời trụ sở các cơ quan được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Phạm vi áp dụng đối với các cơ quan cần phải di dời trong khu vực nội thành bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Quyết định 130 cũng quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với TP Hà Nội lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời ra nội đô; giám sát việc tổ chức thực hiện, quản lý và xây dựng theo quy hoạch, phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện di dời… TP Hà Nội cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo di dời theo quy hoạch đô thị, nhưng tiến độ di dời đến thời điểm này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Điều này dẫn đến tình trạng xử lý quỹ đất cũ để làm hạ tầng xã hội mới, giảm tải nội đô chưa được bao nhiêu. Đây cũng là vướng mắc nhất hiện nay, mà Hà Nội không có thẩm quyền xử lý.

“Bài toán thiếu nguồn lực” khó giải

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trụ sở các bộ, ngành hiện nay do lịch sử để lại, đều đã tồn tại 50 - 60 năm nay, nên việc di dời không đơn giản. Mặc dù chủ trương di dời cũng đã có từ lâu, nhưng về nguồn lực thực hiện phải cân đối, vì ngân sách Nhà nước không dành riêng cho việc di dời.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Công Thương nằm trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) có lưu lượng giao thông khá lớn. Ảnh Tiến Hiếu.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho hay, việc nhiều bộ, ngành chưa di dời trụ sở là do không có vốn xây dựng trụ sở mới. Bộ Xây dựng cũng thuộc diện phải di dời và nhiều năm qua, Bộ tuy đã thống nhất về mặt chủ trương, nhưng khi thực thi lại “tắc tị” về chính sách huy động vốn. Giải pháp đặt ra là xử lý đất cũ tại 37 phố Lê Đại Hành theo hướng biến đất trụ sở thành đất nhà ở để kinh doanh thì mới tạo ra nguồn thu để xây mới trụ sở, nhưng theo cách này lại trái với định hướng quy hoạch là sau di dời, thì quỹ đất phải được ưu tiên để phục vụ việc mất cân đối hạ tầng, giao thông, dân số trong nội đô, chứ không phải để xây nhà ở thương mại và nếu không cho làm nhà ở thương mại, thì không có khả năng huy động vốn, vì Nhà nước không hỗ trợ…

Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) chia sẻ, Quyết định 130/TTg và Luật Thủ đô quy định quỹ đất sau di dời sẽ ưu tiên cho phát triển hạ tầng xã hội và các bộ, ngành tự xây dựng cơ chế, huy động kinh phí xây dựng trụ sở mới. Do đó, quỹ đất trụ sở cũ ngoài việc xây dựng công trình công cộng, sẽ bố trí một phần diện tích để đấu giá thương mại, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội. Chính điều này đã khiến các bộ, ngành cố thủ “đất vàng” để “nghe ngóng” chủ trương.

Còn ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thì cho hay, ngay từ năm 2010, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 86/2010/BTC về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Quyết định này vừa hướng tới việc tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ thúc đẩy việc di dời nhanh hơn, vừa giúp cho các hoạt động của các cơ quan phải di dời được nằm ở vị trí thuận lợi hơn. Nhưng đến nay, vẫn chưa có được bản quy hoạch đảm bảo chất lượng để công bố, khiến các cơ quan “phớt lờ” chủ trương di dời.

Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, điều kiện ngân sách cấp cho việc xây dựng trụ sở mới không đồng bộ, nên quá trình chuyển giao giữa trụ sở cũ và trụ sở mới kéo dài, khiến các đơn vị phải di dời dựa vào đó “nấn ná” trả lại trụ sở. Và điều quan trọng nhất là kinh phí xây trụ sở mới khó huy động nguồn lực, mặc dù quỹ đất mới đã được giải phóng mặt bằng, trong khi ngân sách eo hẹp, cấp không đủ, phải chờ xử lý trụ sở cũ để lấy tiền hoàn thiện trụ sở mới. Luật Thủ đô chưa có chế tài xử lý việc chậm di dời, mà chỉ đưa ra giải pháp cũng đang là bất cập.

“Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nếu không quyết liệt thực hiện Quyết định 130/TTG, thì không có hạ tầng nào khắc phục được quá tải. Bởi, thời điểm tháng 9/2010, Hà Nội có tổng số khoảng 3,2 triệu phương tiện cơ giới, thì đến tháng 9/2018 đã tăng lên trên 5,5 triệu phương tiện, chưa kể số đông xe ngoại tỉnh. Điều này đang trực tiếp gây áp lực lớn cho hạ tầng và công tác quản lý phương tiện của thành phố, là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường”, Trưởng Ban đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho hay.

Bài 2: Chủ trương đúng, giải pháp chưa trúng

Nhóm PV/Báo Tin tức
Mễ Trì và Tây Hồ Tây là phương án được chọn để di dời trụ sở bộ, ngành
Mễ Trì và Tây Hồ Tây là phương án được chọn để di dời trụ sở bộ, ngành

Nhiệm vụ di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Địa điểm di dời được chọn theo phương án 3 trong đề xuất của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP). Theo đó, trụ sở các bộ, ngành được phân chia về cả 2 khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN