Đang giãn cách xã hội, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thế nào?

Bạn đọc hỏi: Do thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vậy tôi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thế nào?

Chú thích ảnh
Những phụ hồ không có việc làm trong thời gian Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Về vấn đề này, báo Tin tức xin thông tin như sau:

Theo quy định hiện hành, không phải cứ nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp, mà người lao động muốn hưởng trợ cấp này phải đảm bảo có đủ các điều kiện tại Điều 47 Luật Việc làm năm 2013, bao gồm:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. - Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…

Khi đáp ứng đủ điều kiện, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Mức hưởng hàng tháng bằng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhân với 60%.

Trong đó: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Do đang giãn cách xã hội, người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp cần nhanh chóng nộp hồ sơ đề nghị hưởng trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nơi nộp hồ sơ là bất cứ trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương mà người lao động muốn nhận.

Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, người lao động được nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các cách sau:

1 - Nộp trực tiếp.

2 - Ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện nếu thuộc trường hợp: Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Như vậy, trong thời gian giãn cách xã hội, người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp hoàn toàn có thể nộp hồ sơ thông qua bưu điện. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 - Sổ bảo hiểm xã hội.

Lưu ý, khi nộp hồ sơ qua bưu điện, người lao động cần chuẩn bị thêm một bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính là ngày ghi trên dấu bưu điện.    

V.T/Báo Tin tức
Xử lý hồ sơ dịch vụ công hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Xử lý hồ sơ dịch vụ công hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Ngày 9/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã ký văn bản số 5438/VPCP-KSTT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý hồ sơ dịch vụ công hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN