Cuộc thi 'Lăng kính tuổi vàng': Khi người cao tuổi thể hiện chính kiến

Cuộc thi giúp cho những người cao tuổi có cơ hội thể hiện góc nhìn, cách đánh giá thông qua lăng kính của chính bản thân về các vấn đề gia đình như quan điểm nuôi con dạy cháu, làm thế nào để vợ chồng không “xô bát xô đũa”, nên ứng xử với đồng nghiệp, những người xung quanh thế nào…

Sáng 18/3, tại Hà Nội, Báo Khoa học và Đời sống (KH&ĐS) và Công ty Cổ phần DượcTrung ương Mediplante đã phối hợp tổ chức lễ trao giải cuộc thi "Lăng kính tuổi vàng".

Quang cảnh lễ trao giải.

Tiếp tục thành công của các cuộc thi "Bí quyết sống khỏe", "Bách niên giai lão", "Khỏe đẹp"... đây là năm thứ 5 liên tiếp KH&ĐS tổ chức cuộc thi mà đối tượng tập trung vào người cao tuổi. Cuộc thi giúp cho những người cao tuổi có cơ hội thể hiện góc nhìn, cách đánh giá thông qua lăng kính của chính bản thân về các vấn đề gia đình như quan điểm nuôi con dạy cháu, làm thế nào để vợ chồng không “xô bát xô đũa”, nên ứng xử với đồng nghiệp, những người xung quanh thế nào…Mỗi tấm gương được viết ra là cuốn cẩm nang giúp chúng ta sống tốt hơn.

Ông Nguyễn Minh Quang, TBT báo Khoa học và Đời sống phát biểu.

Diễn ra từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2017, BTC cuộc thi đã nhận được trên 1.000 bài viết của các tác giả ở nhiều lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước. Qua vòng sơ khảo và chung khảo, 152 bài viết tiêu biểu nhất đã được chọn vào vòng trong, từ đó chọn tiếp ra 22 giải thưởng nhất, nhì, ba và khuyến khích dành cho nhân vật và tác giả (mỗi hệ thống giải có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích) với tổng giải thưởng lên tới 41 triệu đồng.


Theo đánh giá chung của hội đồng chấm giải, cuộc thi năm nay khá khắt khe trong việc chọn lựa nhân vật và cách viết. Nhân vật được viết trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Nhân vật mang quốc tịch Việt Nam, từ 50 tuổi trở lên có lối sống đẹp, triết lý sống hay, sức lan tỏa ra những người xung quanh lớn. Các tác giả tham dự phải là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, thâm nhập, cọ xát cuộc sống để tìm ra nhân vật tốt, có góc nhìn sắc sảo, nhưng lối viết giản dị, dễ đọc, dễ ngấm...


Vượt qua nhiều khó khăn, các tác giả “đãi cát tìm vàng” đã tìm ra nhiều nhân vật vô cùng thú vị. GS Phong Lê, Nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt Nam trong bài viết “Ba quên để cuộc đời lãi nhất” là một trong những nhân vật đó.


Là cây đại thụ trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam, trải qua nhiều thăng trầm, ông truyền lại cho con cháu và những đồng nghiệp cách định vị cuộc đời theo phương châm 3 quên: Quên bệnh tật, quên giận hờn, quên thời gian. Ông đã chung sống mấy chục năm với bệnh tật, có những lần cơn hen lên suýt chết, rồi mọi sự cũng qua.


Ông cho rằng, không nên giận hờn. Cuộc sống lãi nhất là cuộc sống tử tế, thân thiện. Càng sống lâu càng phải biết quên thời gian để được sống khỏe, sống thọ. Với cách sống đó, căn nhà chật của ông ở Tây Hồ lúc nào cũng đông bạn nhiều bè, con cháu quần tụ, còn gì viên mãn hơn. GS. Phong Lê cũng là nhân vật đạt giải nhất cuộc thi Lăng kính tuổi vàng.


Một nhân vật khác đã vượt lên số phận bằng sự lạc quan của người lính, đó là ông Nguyễn Anh Tôn trong bài viết: ”Một đời nuôi cháu mồ côi”. Vợ chồng ông ở với người con trai duy nhất cùng với ba cháu nội, đứa lớn 10 tuổi, bé 3 tuổi, chẳng may bố mẹ chúng đều mất do bệnh.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, nhà khoa học đầu ngành hóa sinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; một trong những nhân vật của các bài viết được trao giải.

Là người lính, ông không sợ súng đạn, nhưng biến cố ập đến khiến ông khủng hoảng tinh thần. Có lần ông phải đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi để gửi một cháu nhờ nuôi giúp. Biết tin, các cháu ôm nhau khóc nức nở khiến vợ chồng ông không nỡ chia cắt chúng. Ông nghĩ: “Trời không dấp cổng nhà ai, chỉ cần có tâm có trí, vững tin vào lòng mình, làm những điều thiện, nhất định vượt qua giông tố”.


Gần 10 năm trời vất vả, giờ các cháu đã tự lập được. Ông Tôn chính là tấm gương sáng, trinh phục được hội đồng chấm giải, dành về giải nhì nhân vật.


Ngoài ra còn rất nhiều nhân vật đạt giải thú vị như GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, nhà khoa học đầu ngành hóa sinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam chỉ với câu nói đơn giản: “Làm gì cũng phải có tâm” sẽ làm tốt được mọi công việc. Ông Nguyễn Văn Thường, Hội Vật lý Việt Nam luôn canh cánh nỗi lo “đại sự”. Ở đâu có nhà đổ, cầu sập là ông đến ngay để tìm nguyên nhân về kỹ thuật. Ăn cơm nhà lo “đại sự”, nhưng vợ con ông đều ủng hộ bởi xã hội rất cần những người như ông...


PT
Người cao tuổi Giang Thành (Kiên Giang) giữ gìn biên giới quốc gia
Người cao tuổi Giang Thành (Kiên Giang) giữ gìn biên giới quốc gia

"Tuổi cao chí càng cao”, người cao tuổi ở xã vùng giáp biên Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, luôn phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN