Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, sau 6 năm thực hiện, Nghị định 86/CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã phát sinh nhiều bất cập, lạc hậu so với thực tế. Nghị định 10/CP kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập, phát triển hoạt động vận tải theo đúng nhu cầu thị trường, xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn giao thông, giảm chi phí đi lại cho người dân và ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của doanh nghiệp vận tải.
“Nghị định 10/CP được xây dựng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng Luật Giao thông đường bộ; bổ sung các quy định nhận diện phương tiện kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải; quy định chi tiết về công tác bảo đảm an toàn giao thông, trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải; giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quản lý hoạt động tuyến vận tải, nhằm ngăn chặn hoạt động xe dù, bến cóc và kết nối, chia sẻ thông tin quản lý vận tải với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Sở GTVT”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Thực tế, vấn đề được dư luận quan tâm, cần giám sát nhất hiện nay là việc quản chặt xe công nghệ, xe hợp đồng để hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc và gắn tem đăng kiểm để giúp người dân, lực lượng chức năng phân biệt giữa các loại xe hoạt động kinh doanh vận tải.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ GTVT sẽ xây dựng các Thông tư hướng dẫn, đảm bảo trước 1/7/2021, ô tô dùng kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe container, xe đầu kéo phải lắp camera để ghi, lưu trữ hình ảnh khi di chuyển. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho công an, tranh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với ô tô hoạt động trên 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên 500 km. Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 - 20 lần/giờ về đơn vị kinh doanh vận tải.
Hình ảnh camera sẽ được lưu trữ tại doanh nghiệp và truyền dữ liệu hình ảnh với lực lượng chức năng để xử lý vi phạm. Nếu lái xe sai phạm hoặc ứng xử thiếu văn minh sẽ bị doanh nghiệp chấn chỉnh ngay. Việc giám sát này sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm của xe khách. Những thông tin này sẽ khai thác có hiệu quả thì có thể hạn chế, ngăn chặn được những vụ tai nạn thương tâm.
Riêng đối với việc gắn tem đăng kiểm riêng cho xe ô tô kinh doanh vận tải, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam bổ sung Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT (về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ) quy định “màu sắc Tem định phân biệt xe ô tô kinh doanh vận tải” với lộ trình triển khai thực hiện cụ thể.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện dự thảo thông tư của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô để thay thế các thông tư hiện hành. Trong đó, công bố hết thời gian kéo dài thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.