Đại diện của Vụ Vận tải cho hay, Grab có ý kiến chủ yếu liên quan đến nội dung định nghĩa thế nào là kinh doanh vận tải, trong dự thảo lần này, Grab cho rằng định nghĩa này chưa rõ.
Theo đó, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT trình Chính phủ có quy định “Kinh doanh vận tải là một dịch vụ mà bao gồm các công đoạn, trong đó bao gồm 2 công đoạn chính, một là công đoạn điều xe, điều lái xe; thứ hai là công đoạn quyết định giá dịch vụ”, nếu đơn vị nào thực hiện các công đoạn này sẽ được coi là kinh doanh vận tải, khi đó doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh vận tải.
Với định nghĩa này, Grab cho rằng chưa rõ ràng. Về vấn đề này, Vụ Vận tải cho hay, qua thực tiễn nếu doanh nghiệp chỉ ứng dụng phần mềm hỗ trợ vận tải thì doanh nghiệp không được can thiệp vào việc quyết định giá dịch vụ. Bởi nếu khi doanh nghiệp đã can thiệp vào giá dịch vụ và quyết định giá dịch vụ đó thì lúc này doanh nghiệp đã bán sản phẩm đó, chứ không thể nói doanh nghiệp chỉ cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải.
“Hoặc vấn đề điều xe cũng vậy, nếu doanh nghiệp là kinh doanh vận tải, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền điều xe, còn nếu là doanh nghiệp thực hiện cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải thì chỉ có thể đưa ra khuyến nghị. Ví dụ như có một người khách đang đứng ở bờ hồ Hoàn Kiếm, đơn vị cung ứng dịch vụ sẽ đưa ra thông tin có khách hàng tại đó cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, còn đơn vị quyết định điều xe đến phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải”, đại diện Vụ Vận tải cho hay.
Trong trường hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải không thông qua doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà điều trực tiếp lái xe thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải sẽ được xếp vào doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Cũng theo đại diện Vụ Vận tải, trong định nghĩa về kinh doanh vận tải của Bộ GTVT trong dự thảo lần này sẽ làm rõ thế nào là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để qua đó xác định cụ thể doanh nghiệp là đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải hay là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
“Nếu Grab chỉ nói mình là đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ vận tải thì không được quyết định về giá cũng như việc điều xe, điều lái xe. Mặt khác, dự thảo lần này đã quy định cụ thể về đơn vị được quyết định về giá và vấn đề điều xe, điều lái xe sẽ giúp làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đối với hành khách của mình, tránh trường hợp doanh nghiệp kinh doanh vận tải lại đùn đẩy trách nhiệm của mình đối với hành khách cho đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải”, đại diện Vụ Vận tải phân tích.
Ý kiến tiếp theo của Grab liên quan đến quy định về thông tin tối thiểu trong hợp đồng. Grab cho rằng quy định trên cũng không hợp lý. Về nội dung này, đại diện Vụ Vận tải lý giải, trong Bộ Luật dân sự chỉ quy định chung cho tất cả hợp đồng, còn cụ thể đối với từng lĩnh vực cụ thể bao giờ cũng có luật chuyên ngành điều chỉnh. Ví dụ trong lĩnh vực xây dựng thì hợp đồng xây dựng ngoài việc tuân thủ các quy định chung của Bộ Luật dân sự thì còn phải theo quy định trong lĩnh vực xây dựng.
Ngoài ra, trong văn bản mà Grab gửi Bộ GTVT góp ý dự thảo thay thế Nghị định 86 cũng không đồng quan điểm với quy định trong dự thảo là gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe sử dụng hợp đồng điện tử.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Vận tải khẳng định, quy định như trên là cần thiết để giúp việc quản lý nhà nước về vận tải được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó cũng giúp người dân dễ dàng phân biệt được các loại hình vận tải hành khách.
Trước đó, trong văn bản của Công ty TNHH Grab gửi Bộ GTVT góp ý đối với dự thảo thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Grab cho rằng Khoản 2, Điều 3 đưa vào khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải” sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô dễ dẫn tới cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, bất bình đẳng trong áp dụng quy định pháp luật.
“Việc chỉ đưa hai công đoạn nêu trên vào mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện… là không hợp lý”, Grab nhấn mạnh.
Ngoài yêu cầu quy định rõ khái niệm, Grab đề xuất bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.
Trong bản góp ý này, một lần nữa Grab khẳng định việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe sử dụng hợp đồng điện tử như dự thảo là không cần thiết.
“Bởi nếu để các cơ quan chức năng nhận diện thì hiện nay đã có niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” ở kính trước theo quy định. Còn khách hàng, thông qua ứng dụng họ đã nhận biết thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc… Các xe này cũng không đón khách vãng lai trên đường nên cần bỏ quy định này”, Grab ý kiến.
Đối với quy định về hợp đồng vận chuyển (Điều 15), Grab cho rằng dự thảo không ghi hợp đồng vận chuyển được quy định áp dụng cho loại hình kinh doanh vận tải nào (taxi, buýt…) nên dễ gây hiểu nhầm. Grab cũng cho rằng quy định Điều 16 về việc thực hiện hợp đồng điện tử không hợp lý vì chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành.
“Vì vậy, Grab đề xuất bãi bỏ toàn bộ nội dung Điều 15, Điều 16. Nếu cần thiết phải quy định về nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển để làm cơ sở bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chỉ nên quy định và áp dụng đối với loại hình kinh doanh bắt buộc phải có hợp đồng bằng văn bản. Nội dung tối thiểu của hợp đồng chỉ bao gồm các thông tin cần thiết nhất, để hạn chế can thiệp vào hoạt động kinh doanh và quyền tự do thỏa thuận, giao kết hợp đồng của người dân và doanh nghiệp…”, đại diện Grab nhấn mạnh.
Đại diện Bộ GTVT thông tin, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ là dự thảo lần thứ 8.