Nhiều 'lỗ hổng' trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải

Nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều "lỗ hổng" trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ...

Tại cuộc làm việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các bộ, ngành trong việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh ngày 16/10, nhiều ý kiến tranh luận về những bất hợp lý trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ... 

Chú thích ảnh
Nhiều ý kiến tranh luận về những bất hợp lý trong dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ảnh minh họa: Đăng Sơn/Báo Tin tức

Dự thảo Nghị định lần thứ 6 tiếp thu... "nửa vời"

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho biết, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có 3 năm soạn thảo, được rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, nhà báo, chuyên gia về Giao thông vận tải đóng góp ý kiến, với 5 lần tiếp thu chỉnh sửa, nhưng bản dự thảo Nghị định lần thứ 6 vừa ban hành ngày 3/10 vẫn có nhiều “lỗ hổng”. Nếu được ký ban hành mà không chỉnh sửa sẽ không phù hợp, ảnh hưởng rất xấu tới môi trường kinh doanh và sự phát triển của ngành vận tải trong thời kỳ hội nhập.

“Nhiều ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, dự thảo Nghị định vẫn không tiếp thu đầy đủ những ý kiến hợp lý hoặc tiếp thu nửa vời; thậm chí ngay cả các ý kiến cụ thể, rõ ràng và rất thuyết phục mà Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị cũng chưa được xem xét một cách thấu đáo để đưa vào dự thảo. Do đó bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP hiện nay vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, không thể xử lý được nạn “xe dù, bến cóc” và xe hoạt động trá hình nhằm lách luật trốn thuế,  để lập lại trật tự văn minh trong lĩnh vực vận tải ở nước ta”, ông Nguyễn Công Hùng cho hay.

Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Công Hùng cho biết, Luật Giao thông đường bộ có 5 loại hình vận tải cần áp dụng công nghệ đối với cả 5 loại hình, không thể chỉ quy định việc áp dụng đối với 2 loại hình vận tải hợp đồng và du lịch như dự thảo hiện nay. Đây là điều không hợp lý, không công bằng, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế đã chứng minh do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm, đồng thời, các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, “bảo kê” cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông. Rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do phương tiện và người lái xe không chấp hành nghiêm pháp luật, như vụ xe chở khách hoạt động “chui”, gây tai nạn làm 13 người thiệt mạng tại Quảng Nam vào tháng 7/2018 vừa qua.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Công Hùng, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử... “Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở các nước nhưng không hiểu sao lại không áp dụng? Điều này khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu khách quan, cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách vì lợi ích nhóm”, ông Nguyễn Công Hùng đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Nghị định cần xác định cụ thể thời hạn áp dụng đối với 5 loại hình vận tải kết nối với thiết bị giám sát hành trình (GPS) và phần mềm công nghệ quản lý vận tải, phải chuyển dữ liệu về Tổng cục Đường bộ quản lý. Khi đã có công cụ quản lý bằng công nghệ thì sẽ gỡ bỏ hàng loạt các điều kiện quản lý thủ công theo đúng chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh của Chính phủ.  

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, điểm b khoản 1 Điều 21 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định “thực hiện ký hợp đồng với bến xe khách để tổ chức khai thác tuyến” sẽ không còn vai trò giám sát của quản lý Nhà nước. Điểm này cố tình tạo điều kiện để bến xe độc quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp, quay trở lại tình trạng cách đây 15 năm “thủ kho to hơn thủ trưởng”. Bến xe cũng chỉ là doanh nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước ngành Giao thông vận tải.

Điểm b khoản 2 Điều 23 quy định về thời hạn của phù hiệu tăng cường cuối tuần là “không quá ba ngày”. Như vậy doanh nghiệp sẽ phải đến Sở Giao thông vận tải 52 lần/năm để xin cấp phù hiệu tăng cường dịp cuối tuần. Điểm e khoản 3 Điều 24 quy định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu 3 tháng của xe ô tô kinh doanh vận tải nếu “trong thời gian 7 ngày liên tục, đơn vị kinh doanh vận tải hoặc lái xe vi phạm quy định” cũng không phù hợp. Với quy định này, doanh nghiệp cứ vi phạm 6 ngày, đến ngày thứ 7 không vi phạm nữa và sang ngày thứ 8 lại tiếp tục vi phạm... Như vậy, một doanh nghiệp có thể vi phạm 24 ngày/1 tháng mà không bị thu hồi phù hiệu, tiếp tục gây bất cập, khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc áp dụng chế tài xử lý vi phạm.

Một thực tế nữa được vị lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chỉ ra, đó là  hiện nay có một số ý kiến cố tình đánh tráo khái niệm, cho rằng xe ôtô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử. Thực tế Tòa án Công lý Châu Âu, ý kiến của Bộ Tư pháp cùng tất cả các chuyên gia và toàn xã hội đều khẳng định thực chất đó là xe taxi điện tử, vì cách gọi xe qua tổng đài điện thoại này qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm thì chỉ là hình thức của thủ tục, đều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải.

Ông đề nghị Thủ tướng và Chính phủ thống nhất phương án “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyến hành khách; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng”; giao trách nhiệm cho Bộ Công an triển khai đưa biển kiểm soát xe kinh doanh có màu riêng để phân biệt, quản lý công bằng, minh bạch, không lẫn lộn với xe cá nhân.

“Có ý kiến bao biện rằng nếu coi Uber, Grab là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ là rất vô lý, vì việc quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi là đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó sẽ có lợi nhuận cao hơn”, ông Nguyễn Công Hùng nêu rõ.

Tránh tạo ra khoảng trống pháp lý

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu cung cấp phần mềm, cho thuê phần mềm đơn thuần, không can thiệp vào quá trình vận tải thì chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. Nhưng, nếu tham gia vào việc định giá cước, thu tiền, phân phối lợi nhuận, thậm chí bỏ hàng chục tỷ đồng để khuyến mãi sản phẩm vận tải thì không thể nói là đơn vị cung cấp phần mềm mà là kinh doanh vận tải.

Theo ông, các xe chở khách 9 chỗ ngồi trở xuống, kết nối qua phần mềm hoặc không kết nối qua phần mềm nhưng trong nội đô và tính chất, bản chất giống nhau thì coi là taxi. “Không nên tạo một sân chơi riêng, tạo chợ riêng cho một loại nào đó mà bản chất là taxi”, ông Tạ Long Hỷ nêu quan điểm.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, để phân biệt giữa kinh doanh và không kinh doanh chở khách, tất cả các loại xe kinh doanh, trước hết là 9 chỗ trở xuống, nên có biển số khác hoặc có đặc điểm khác trên biển số.

Đề nghị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, tạo kẽ hở khi Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý “liên quan đến xử lý vi phạm, dự thảo đưa ra bảy ngày liên tục vi phạm thì thu hồi phù hiệu. Vậy thì vi phạm 6 ngày, ngày thứ 7 nghỉ, ngày thứ 8 vi phạm thì xử lý như thế nào. Quy định như thế là tạo kẽ hở”.

Hay quy định về thời gian của phù hiệu tăng cường cuối tuần là “không quá 3 ngày”, doanh nghiệp sẽ phải đến Sở Giao thông vận tải 52 lần/năm để xin cấp phù hiệu tăng cường dịp cuối tuần thì còn thời gian đâu làm việc.

Cho rằng việc sửa Nghị định 86 rất phức tạp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thủ tướng chỉ thị cao điểm kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải
Thủ tướng chỉ thị cao điểm kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị số 24/CT-TTg yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN