Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo tình trạng lừa phụ huynh chuyển tiền vì con bị tai nạn

Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng gọi điện thoại lừa phụ huynh có con bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền để phẫu thuật, đơn vị đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo; cung cấp các phương thức, thủ đoạn lừa đảo này đến với người dân.

Chú thích ảnh
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin trong chiều 9/3.

Chiều 9/3, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Tại đây, ngành Công an đã thông tin cụ thể về tình hình một số phụ huynh đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện gọi điện thoại thông báo học sinh bị tai nạn phải nhập viện cấp cứu. Sau đó, các đối tượng này đã yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng này cung cấp để thanh toán viện phí cấp cứu, tuy nhiên đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá tinh vi và mới thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 9/3, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 4 thông tin từ báo đài, cơ quan và 3 thông tin tố giác của người dân đến Công an phường về việc bị các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất điện thoại trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu; đồng thời yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để tạm ứng thanh toán viện phí. Công an TP Hồ Chí Minh hiện đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, huyện khẩn trương rà soát, điều tra, truy xét đối tượng để khám phá các vụ việc được phản ánh; khi có kết quả sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. 

Ngoài ra, trong ngày 8/3, Công an huyện Củ Chi đã tiếp nhận 2 thông tin từ bà T.T. P và ông Ng. H. A (cùng ngụ huyện Củ Chi) phản ánh bị các đối tượng điện thoại cung cấp thông tin lừa đảo với thủ đoạn như trên, yêu cầu chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Do được tiếp cận thông tin tuyên truyền từ lực lượng Công an địa phương, trên báo đài nên hai phụ huynh này đã không chuyển tiền cho đối tượng. Công an huyện Củ Chi đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh thông tin, truy xét đối tượng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng gọi điện thoại lừa phụ huynh có con bị tai nạn để yêu cầu chuyển tiền, đơn vị đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục khuyến cáo; cung cấp các phương thức, thủ đoạn lừa đảo này đến với người dân.

Đơn vị đã tham mưu Ban chỉ đạo 138 TP Hồ Chí Minh gửi các đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến nhân dân; đặc biệt yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh bình tĩnh, thận trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng; khuyến cáo phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi cần nắm thông tin liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại trường; các cơ sở giáo dục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng của trường đến phụ huynh học sinh để liên hệ khi cần thiết.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, hiện nay, các đối tượng lừa đảo qua mạng hoạt động rất tinh vi, với nhiều thủ đoạn khác nhau. Để tuyên truyền cho người dân, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh đã thành lập trang thông tin trên Facebook địa chỉ: Facebook@anm.catphcm (tên: Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC- Công an TP Hồ Chí Minh) để cập nhật các thủ đoạn và tuyên truyền đến người dân.

Ông Lê Mạnh Hà cũng cho cho biết, thông tin cá nhân học sinh bị lộ có thể qua nhiều hình thức khác nhau như: Lỗ hổng bảo mật, dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp; cửa hàng thu thập làm lộ lọt, ví dụ như khi làm thẻ khách hàng tại khu vui chơi, cửa hàng ăn uống, trung tâm ngoại ngữ... do đó cần có quá trình điều tra, xác minh, làm rõ việc lộ lọt thông tin này từ đâu để xử lý. Ngoài ra, đối với các cơ quan nhà nước, khi quản lý thông tin có quy định chặt chẽ và có quá trình kiểm tra, bảo mật nên tính an toàn bảo mật cao hơn so với các đơn vị khác.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cảnh báo nguy cơ lừa đảo liên quan ChatGPT
Cảnh báo nguy cơ lừa đảo liên quan ChatGPT

Ngày 8/3, công ty an ninh mạng Darktrace của Anh cảnh báo công cụ trò chuyện ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đã làm gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN