Chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet

Ngày nay, với sự phát triển của Internet và sự đa dạng của các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng... những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em là mối lo lắng lớn của mọi gia đình.

Khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng, bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, trẻ em có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cách phòng tránh trẻ em nghiện mạng, nghiện facebook... đang là vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

Không thể “cô lập” trẻ với internet và thiết bị công nghệ

Theo ông Nguyễn Trọng Tiến (Trung tâm iSmartaKids) đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, việc cho phép trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ và dạy trẻ sử dụng Internet là cần thiết. Việc ngăn cấm hoàn toàn trẻ sử dụng Internet cũng đồng nghĩa với việc ngăn trẻ hiểu biết xã hội, công nghệ và các ưu điểm to lớn mà Internet mang lại. Tuy nhiên, cha mẹ nên trang bị cho con cái những nguyên tắc, kỹ năng cần thiết khi con tiếp xúc với mạng.

Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia IT chia sẻ về các rủi ro công nghệ và kỹ thuật bảo vệ con khỏi môi trường mạng. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Về những nguyên tắc cơ bản cần quy định cho trẻ khi sử dụng mạng, ông Nguyễn Trọng Tiến cho rằng, cha mẹ nên dạy trẻ bảo mật thông tin cá nhân, quy định thời gian sử dụng mạng, khuyến khích trẻ vào những hoạt động chăm sóc bản thân, dạy kỹ năng sống và kiểm soát nội dung truy cập của trẻ.

Trên thực tế, trẻ em được cha mẹ dặn không cung cấp thông tin về bản thân và gia đình cho người lạ. Tuy nhiên, trẻ lại sẵn sàng điền đầy đủ thông tin này khi tham gia trả lời các câu hỏi trên mạng. Vấn đề là sự đa dạng các hình thức trên mạng không giống với các trường hợp trong thực tế nên trẻ em không đủ nhận thức để phòng tránh. Thậm chí, ngay cả các bậc cha mẹ cũng không đủ kiến thức về mạng xã hội để dạy con em cách phòng tránh.

Chuyên gia công nghệ thông tin Ngô Việt Anh cảnh báo: Khi bị tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu, trẻ em dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng.

Trẻ có thể bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh. Cho trẻ tiếp xúc với Internet là điều cần thiết, song vấn đề cần thiết hơn nữa chính là việc trang bị kỹ năng tự phòng bị cho trẻ khi sử dụng mạng.

Nghiện facebook trở thành bệnh xã hội

Bà Lê Thanh Thủy (Doanh nghiệp xã hội Ô xinh) cho biết, hiện nay, nhiều trẻ học lớp 1, 2 đã có tài khoản facebook và bắt đầu làm quen, kết giao trên mạng. Việc sử dụng facebook một cách quá mức dẫn đến nghiện facebook đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội.

Trong số những hành vi nghiện đã có như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, hành vi nghiện facebook được cho là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa đáng sợ vì không mang đến những hậu quả ngay lập tức. Tuy nhiên, nghiện facebook lại ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý bình thường của trẻ em cũng như việc hình thành nhân cách.

Tiết học thực hành môn Tin học của học sinh lớp 3B, trường Tiểu học thị trấn Cô Tô, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Điều đáng nói là dù chưa có "mã bệnh" trên thế giới, chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu nhưng nghiện facebook đã trở thành một căn bệnh đang len lỏi trong cuộc sống hiện đại.

Không ít trẻ em mải mê “sống ảo” trên facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành, cũng không ít gặp những hành vi lệch chuẩn được chia sẻ trên mạng xã hội nói chung và trên facebook nói riêng, cùng những lời nhận xét, bình luận.

Ví dụ như việc các em đưa lên facebook nội dung chửi mắng thầy cô, bạo lực học đường, đăng tải những hình ảnh quái dị, những biểu hiện của lối sống lệch lạc, thách đố nhau trên facebook...

Theo bác sỹ Lê Thu Hà (Trưởng khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần) nghiện facebook là việc một cá nhân dành thời gian quá nhiều cho việc sử dụng facebook, gây ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống.

Nghiện facebook xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính, trong đó có một số biểu hiện như cố gắng cắt giảm việc sử dụng facebook mà không được, cảm thấy một sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều, sử dụng facebook mọi lúc, mọi nơi mà không có mục đích và cảm thấy bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng facebook.

Khi đã “nghiện facebook”, việc học tập và sinh hoạt của trẻ sẽ bị xáo trộn, về lâu dài sẽ có những tác động xấu lên tâm lý, thói quen, nhân cách, sự phát triển của trẻ. Do vậy, bác sỹ Lê Thu Hà khuyến cáo, khi thấy bản thân hoặc người thân, con em mình có các dấu hiệu nghiện facebook thì cần đưa đến các chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, điều trị.

Việc sử dụng mạng hiệu quả, hợp lý, có mục đích đồng thời hướng sự chú ý và thời gian rảnh của trẻ vào những hoạt động vui chơi giải trí khác là những việc cha mẹ nên làm nếu phát hiện con cái có biểu hiện nghiện facebook.

Trách nhiệm của các bên liên quan

Nhằm hạn chế những rủi ro trên mạng cho trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, các tổ chức hoạt động vì trẻ em có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.

Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Để nâng cao nhận thức, thực hành và kết nối các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, mới đây Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức tọa đàm “Bảo vệ Trẻ em an toàn trên môi trường mạng”.

Bà Nguyễn Phương Linh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững) chia sẻ, khi trẻ em tiếp cận với mạng internet, chính các em cùng với sự hỗ trợ của người lớn, cha mẹ và người chăm sóc trẻ, những nhà giáo dục, cộng đồng, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội... sẽ là các đối tượng cần nâng cao nhận thức về những rủi ro của môi trường mạng.

Ông Ysrael Diloy (chuyên gia tâm lý người Philippines) chia sẻ, ông đã thuyết phục Bộ Giáo dục ở Philippines xây dựng cuốn cẩm nang về an toàn mạng cho trẻ em và phổ biến trong trường học. Chỉ có giáo dục đúng cách trẻ em mới có nhận thức và có cách tự phòng vệ cho bản thân trên môi trường mạng.

Quan trọng hơn nữa, khi giảng dạy về an toàn trên mạng, khi hỏi trẻ em về các vấn đề như bị xâm hại trên mạng, bị bắt nạt qua mạng... thì cần sự tham gia của chính trẻ em và có cơ chế nhận phản hồi từ các em.

Ông Mai Phan Lợi (Công ty Truyền thông MEC) chia sẻ: Hiện nay, truyền thông cũng đang góp phần cổ xúy và thổi bùng lên các vấn đề, đôi khi sử dụng các thông tin xâm hại trẻ em để câu ‘like” câu “view”, chạy theo lợi nhuận rất nghiêm trọng.

Do đó, cần đẩy mạnh vấn đề truyền thông đạo đức cho đội ngũ nhà báo. Trong thời đại internet, công nghệ số phát triển nhanh và sự bùng nổ mạng xã hội, bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn, hành động quyết liệt, chung tay hành động của mọi cá nhân và tổ chức.

Ngọc Bích (TTXVN)
Nhiều chiêu lừa đảo người tiêu dùng qua Facebook bằng fanpage giả mạo
Nhiều chiêu lừa đảo người tiêu dùng qua Facebook bằng fanpage giả mạo

Giảm giá sốc, mua hàng tặng vàng, tặng hàng miễn phí khi chia sẻ trang… là những chiêu mà các trang fanpage giả mạo các công ty trên Facebook nhằm lừa tiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN