Chợ đầu mối ô nhiễm

Hoa quả thối, rác rưởi bốc mùi... là tình trạng chung tại các chợ đầu mối hiện nay. Điều này không chỉ gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân cư gần chợ.

Chợ “bốc mùi”

Khoảng 6 giờ sáng, chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) vẫn tấp nập người buôn, kẻ bán. Bước chân vào chợ, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những đống rác hỗn hợp bên đường, bao bì, rơm rác vứt tràn lan trên các lối đi. Hai người công nhân dọn rác không ngơi tay, chỗ này vừa dọn xong quay lại đã thấy rác tràn lan. Bên trong chợ, những chiếc xe rác đầy ứ, xe nào cũng chất cao hơn miệng xe chừng 1 - 2 m. Phía cuối chợ, cách khu bán hoa quả không xa là khu thủy hải sản, nước lẫn rác chảy tràn trên đường, các cống nước đen ngòm. Vừa bước chân đến nơi, mùi tanh, hôi thối của tôm, cá chết sực lên rất khó chịu. Một công nhân dọn vệ sinh ở đây cho biết: “Đội dọn rác của chợ gồm 18 người, chia thành nhiều ca để dọn dẹp. Thường ca đầu giờ sáng là nhiều rác nhất vì sau đêm họp chợ. Nhiều nhất là rơm rạ, thùng xốp và củ, quả, hải sản chết thối. Mỗi sáng thu gom khoảng hơn 20 xe rác chở đi”.

Ô nhiễm tại chợ đầu mối Bình Điền - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết


Rác thải không chỉ tràn lan trong chợ, mà ngay cổng chợ cũng nhiều rác. Nhà chỉ cách cổng chợ vài mét, bà Phan Thị Bé (cụm 7, phường Phúc Xá, quận Ba Đình) bức xúc cho biết, ngay trước cửa nhà bà là hố ga của đường ống dẫn nước thải từ chợ, các hộ dân ở đây phải lấy bao tải che kín miệng hố cho đỡ thối. “Có những hôm mở cửa thấy mùi thối tưởng chuột chết trong nhà hóa ra nước từ cống bốc lên. Khổ nhất là những ngày trời mưa to, nước từ chợ chảy ra, nước cống dềnh lên tận sân nhà, tôm cua, cá chết nổi lềnh phềnh, mùi hôi thối không chịu được”, bà Bé cho biết.

Theo khảo sát của phóng viên, các chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy), chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai)... cũng chung “số phận”.

Tại TP Hồ Chí Minh, qua ghi nhận của phóng viên tại các chợ đầu mối như Chợ Nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ Bình Điền (quận Bình Tân) tuy nằm cách xa khu dân cư nhưng khi đi qua hoặc bước vào bên trong chợ không thể chịu nổi mùi bốc lên từ các loại rau củ quả thối và mùi hôi của các loại nước thải từ phế phẩm cá thịt. Chị Nguyễn Trúc Phương (Dĩ An, Bình Dương) thường đi lấy hàng tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết: “Mỗi lần vào chợ là không thể chịu nổi mùi hôi thối của các loại rau, củ quả ở đây. Các hộ kinh doanh thải các loại rau củ quả thối vương vãi ra ngoài khu vực lối đi, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác và hôi thối”.

Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày số hàng hóa nhập vào chợ đầu mối lên đến 3.500 tấn, có khoảng 1.300 điểm kinh doanh các loại rau củ quả, hoa. Theo ban quản lý chợ, mỗi ngày chợ thu gom khoảng 50 tấn rác thải. Hàng ngày rác thải trong chợ được gom về khu vực xử lý rác thải của chợ để đưa vào máy ép rác.

Chế tài chưa mạnh

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đàm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, chợ đầu mối Long Biên được xây dựng cách đây khoảng 21 năm, hệ thống thoát nước trong chợ đã hư hỏng, gây ứ đọng nước và mỗi ngày chợ có khoảng vài chục tấn rác. Để giải quyết vấn đề này, Ban quản lý chợ đã thành lập tổ thu gom rác của chợ. Lượng rác sau khi thu gom sẽ được Công ty môi trường đô thị quận Ba Đình vận chuyển đến nơi tập kết theo hợp đồng với mức chi gần 80 triệu đồng/tháng. Còn các hộ kinh doanh khi làm hợp đồng thuê kiốt đều phải ký vào bản nội quy trong đó có quy định về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh ý thức chưa tốt, mặc dù Ban quản lý đã chuẩn bị 70 thùng rác công cộng lớn nhỏ đặt tại chợ nhưng nhiều người vẫn vứt rác ra chợ khiến việc thu gom khó khăn.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết: Từ khi xây dựng, chợ đã có 3 công trình phụ trợ như: Xử lý nước thải, rác thải và cung cấp nước sạch. Hàng ngày có đội ngũ công nhân đi thu gom đưa rác về khu vực xử lý rác thải. Chợ có 3 máy ép rác với công suất 20 tấn/ngày. Ban quản lý cũng đã ký hợp đồng hàng năm với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh về việc xử lý rác thải, nước thải, nước sạch theo chu trình khép kín. Một tháng, công ty phải chi trên 300 triệu đồng tiền thu gom rác.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc quản lý vệ sinh môi trường tại các chợ đầu mối còn bất cập. Đó là do chế tài quản lý chưa đủ mạnh. Ông Đàm Đình Dũng cho biết: “Ban quản lý chợ chỉ là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng phạt hành chính. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, cảnh cáo, lập biên bản vi phạm báo cáo cơ quan chức năng rồi mới phối hợp xử phạt. Trong khi ngoài 1.000 hộ đăng ký kinh doanh ở chợ còn rất nhiều hộ vãng lai theo thời vụ, có khi lập biên bản xong quay lại xử lý thì họ đã đi mất rồi”.

Đại diện Ban quản lý chợ cho biết thêm, chợ Long Biên đang tiến hành sửa chữa cải tạo theo Dự án cải tạo sửa chữa chợ Long Biên theo ngân sách của quận Ba Đình với chi phí đầu tư khoảng 30 tỷ đồng với nhiều hạng mục như thay mái, thay cột, cải tạo nâng cấp hệ thống cống thoát nước, nạo vét bùn... “Sau khi sửa chữa xong, chợ sẽ hoạt động theo quy củ, có quy định trách nhiệm đối với các hộ kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp giữa các đơn vị quản lý để có biện pháp và chế tài mạnh hơn để tăng cường ý thức người dân, hạn chế ô nhiễm”, ông Dũng cho biết.
Thu Trang - Hoàng Tuyết
Ô nhiễm từ bãi rác lộ thiên khổng lồ
Ô nhiễm từ bãi rác lộ thiên khổng lồ

Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng hôi thối, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước suối phục vụ sinh hoạt khi mùa mưa đến, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN