Thấy cô bạn thân vào siêu thị mua thực phẩm mà cứ loay hoay cầm điện thoại bấm bấm, "vuốt vuốt", chị Huyền Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết, bạn chị Trang gần đây đã tìm hiểu về công nghệ kiểm tra thông tin, xuất xứ hàng hóa qua việc check mã QR - code (Quick Response code - mã phản hồi nhanh) được in trên sản phẩm, nên lần nào đi siêu thị cũng "thực hành".
Quét thông tin trên thực phẩm nhập ngoại. |
Thấy bạn làm, chị Trang cũng thử download phần mềm kiểm tra hàng hóa trên mạng về. Sau đó, việc kiểm tra rất đơn giản. Với mỗi sản phẩm có dán mã QR - code, người tiêu dùng như chị Trang chỉ cần mở phần mềm và quét mã QR - code đó qua màn hình điện thoại. Ngay lập tức, các thông tin về sản phẩm sẽ hiện ra.
QR - code dán trên giống bí đỏ Nhật. |
Nhìn thấy giống bí đỏ Nhật được trồng tại Đà Lạt khá lạ lẫm, chị Trang liền "thực hành" ngay. Mở điện thoại ra và "quét", chị Trang có được ngay các thông tin về công ty sản xuất loại nông sản này, giá tham khảo, các bình luận của người tiêu dùng từng dùng loại bí đỏ này.
"Thấy mọi người đều khen giống bí này ngon lắm, nên tôi quyết định mua ăn thử. Nếu không có phần mềm này thì tôi chỉ biết về sản phẩm qua những thông tin ít ỏi được dán trên quả bí như công ty sản xuất, ngày đóng gói, hạn sử dụng... Thật tiện lợi quá", chị Trang chia sẻ.
Dùng điện thoại để quét mã QR. |
Thực tế, tại siêu thị Fivimart Hà Nội, hiện rất nhiều loại nông sản được dán mã QR - code, đặc biệt là những loại nông sản được trồng chuyên nghiệp tại các nông trại, đạt các tiêu chuẩn về VietGAP. Trao đổi với phóng viên Tin Tức, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (chủ thương hiệu Fivimart) cho biết, các khách hàng trẻ tuổi, thanh niên rất hay sử dụng điện thoại để check QR - code.
"Thông tin có được từ QR - code rất đa dạng, phong phú như các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà hàng hóa đạt được, hay có cả hình ảnh của các nông trại nơi sản xuất sản phẩm. Còn thông tin dán trên hàng hóa chỉ là các thông tin chung", bà Hậu cho biết.
Công ty Hamona Việt Nam đầu tư ứng dụng QR-code vào sản phẩm dừa. |
Thực vậy, phóng viên đã thử check mã QR - code của sản phẩm dừa Hamona của Công ty TNHH Hamona Việt Nam - giống dừa nhỏ xinh chỉ bằng nắm tay, và bất ngờ khi đọc được bài viết về người nông dân "Mr Deo", người đã sáng tạo ra giống dừa này. Đó là người nông dân đã có 20 năm kinh nghiệm trồng dừa tại Châu Thành, Tiền Giang. Đặc biệt, bài viết bằng tiếng Anh. Như vậy, người nước ngoài cũng có thể đọc và hiểu về loại nông sản đặc biệt này của Việt Nam.
Có lẽ doanh nghiệp này đã học cách người Nhật PR cho sản phẩm của mình, đó là không chỉ bán hàng hóa mà còn cho khách hàng biết được cách người ta đã tạo ra hàng hóa đó như thế nào. Nó trở thành một nét văn hóa kinh doanh, và biết đâu người tiêu dùng lại mua hàng hóa vì những thông tin về cách tạo ra hàng hóa, trước cả việc hàng hóa đó thực sự tốt như thế nào.
Một nhân viên tại siêu thị Fivimart Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết thêm: "Các nhà cung cấp của siêu thị ngày càng quan tâm đến việc giới thiệu thông tin sản phẩm bằng cách này nên ngày càng có nhiều sản phẩm được đính mã QR - code. Qua đây, người tiêu dùng có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả".
Người tiêu dùng có thể đánh giá về sản phẩm. |
Qua việc check QR - code hay check barcode (dãy mã vạch có số truyền thống), người tiêu dùng không chỉ được biết về thông tin sản phẩm mà còn được tham gia vào một "mạng xã hội" với rất nhiều ý kiến khen - chê - góp ý của những người tiêu dùng khác, có thể so sánh giá mua tại siêu thị với giá tham khảo. Qua những thông tin đó, người tiêu dùng có thể quyết định mua hay không mua.
Mặt khác, người tiêu dùng cũng là người được chủ động đánh giá về sản phẩm thông qua các mức đánh giá: Nên dùng; Cũng được; Không dùng. Họ cũng có thể đóng góp thêm các thông tin về hình ảnh hàng hóa, phản hồi chất lượng hàng hóa để người khác cân nhắc khi mua sản phẩm.
Nhiều loại nông sản đang áp dụng công nghệ này. |
Theo các chuyên gia về thương mại, hiện đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cách marketing hiện đại này. Tuy nhiên, một số sản phẩm chưa thực sự đầu tư cho QR - code, thông tin sản phẩm khá sơ sài. Điều này có thể khiến người tiêu dùng nhàm chán và không tiếp tục quét code các sản phẩm khác nữa.
Một vấn đề khác mà các chuyên gia lưu ý, đó là việc "scan" mã QR cũng cần một vài thao tác nên những người tiêu dùng bận rộn, ít thời gian sẽ không rút điện thoại của họ ra trừ khi họ biết họ sẽ nhận được thông tin gì. Vì vậy, sản phẩm hàng hóa cần cung cấp hướng dẫn để quét mã QR, cách download công cụ đọc. Hướng dẫn có thể đơn giản là một vài chữ kèm theo như “scan để đọc review về sản phẩm”, như vậy cũng sẽ thu hút người tiêu dùng hơn.
QR-code đính trên trái dừa. |
Chẳng hạn như trường hợp của trái dừa Hamona như đã nói ở trên, đính trên sản phẩm này là mẩu chữ rất ngắn gọn nhưng đáng yêu đi kèm với mã QR: "My story? Scan QR Code" - "Muốn biết câu chuyện của tôi, hãy quét QR Code", và câu chuyện về ông Deo sẽ hiện ra ngay sau đó.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, cả thế giới có trong chiếc điện thoại thông minh của mỗi người, việc quét QR-code sẽ trở thành một nét văn hóa hiện đại trong thói quen mua sắm cũng như cuộc sống thường ngày của những người tiêu dùng thông minh.