Cha mẹ cần cảnh giác phòng ngừa tình trạng trẻ em bị xâm hại

Trong Tháng hành động vì trẻ em 2017, nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp các ngành triển khai, đặc biệt Luật trẻ em có hiệu lực vào ngày 1/6/2017.

Còn nhiều vụ xâm hại trẻ em


Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội- LĐTBXH) cho biết: Theo thống kê của Cục , năm 2016 hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục. Đây mới chỉ là số thống kê, trên thực tế, con số này còn cao hơn rất nhiều.

Các em chia sẻ thông tin đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em miễn phí Việt Nam qua số điện thoại 18001567. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Nguyên nhân do nhiều gia đình không khai báo khi con em bị xâm hại tình dục bởi lo ngại ảnh hưởng tương lai các cháu, thậm chí có những trường hợp đối tượng có hành vi xâm hại chủ động thương lượng với gia đình bị hại… Một số vụ việc xâm hại tình dục nghiêm trọng, được báo chí truyền thông phản ánh từ đầu năm đến nay tạo sự chú ý trong dư luận mới, được tập trung giải quyết như: Vụ việc nghi phạm là người già ở Vũng Tàu xâm hại tình dục với nhiều trẻ em; vụ cháu bé sinh năm 2012 bị đối tượng 78 tuổi xâm hại tình dục ở Ba Vì, Hà Nội; vụ cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Maibị xâm hại tình dục…


Theo ông Đặng Hoa Nam, gần đây các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân một phần do các kênh thông tin đã tốt hơn, báo chí và mạng xã hội phát triển; đồng thời, hiểu biết pháp luật, nhận thức của gia đình, cộng đồng cũng tốt hơn, mạnh bạo hơn trong việc tố cáo hành vi xâm hại trẻ em. Tính chất các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp, đặc biệt các vụ xâm hại tình dục trẻ em từ người thân, người quen biết. Cùng đó, việc xử lý thường kéo dài, thậm chí có nguy cơ “chìm xuồng”.


Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được đặc biệt quan tâm từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức, gia đình và có nhiều chuyển biến tích cực; nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Tại một số địa phương, nạn xâm hại tình dục trẻ em xảy ra rất đáng lo ngại. Trước tình trạng trên, ngay từ đầu năm, Bộ LĐTBXH đã chọn chủ đề của năm 2017 và Tháng hành động vì trẻ em là “Phòng, chống xâm hại trẻ em” và hướng dẫn địa phương tập trung chỉ đạo triển khai công tác này. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã gửi công văn đến cơ quan điều tra đề nghị bảo vệ tốt nhất quyền cho trẻ em. Cán bộ ngành LĐTBXH đã đến nhà, trường học của các em để tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ cùng gia đình.


Sự chung tay của cộng đồng


Để giảm hiện tượng hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Theo đại diện Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, đối với những vụ việc xâm hại trẻ em vừa xảy ra, mọi người thường mải mê truy tìm thủ phạm, phán xét trừng trị thủ phạm; mà quên mất phải lấy trẻ em – nạn nhân của vụ việc làm trung tâm. Cần thành lập tổ nghiệp vụ kết nối đường dây nóng hỗ trợ trẻ em (18001567) với nạn nhân trong khoảng thời gian 4 giờ đồng hồ sau khi vụ việc phát hiện. Bởi đây là thời gian gia đình nạn nhân rơi vào khủng hoảng, rất cần chia sẻ cũng như hỗ trợ cần thiết. Nếu bỏ qua gia đoạn này, gia đình nạn nhân sẽ rơi vào hụt hẫng và mất niềm tin.


Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, liên quan đến bảo vệ những vụ xâm hại tình dục trẻ em, luật có nhiều nhưng khi thực hiện, lại nảy sinh các vấn đề. Cụ thể, khi gia đình tố cáo thì cơ quan điều tra yêu cầu phải có bằng chứng và chậm xử lý… Chỉ khi cơ quan truyền thông lên tiếng, lãnh đạo cấp trên yêu cầu xác minh làm rõ thì vụ việc mới được rốt ráo giải quyết, xử lý.


Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới- gia đình- phụ nữ và vị thành niên): Bộ LĐTBXH cần đẩy mạnh truyền thông về tổng đài tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 để các gia đình, trẻ em coi đó như là số điện thoại cần thiết và hữu ích luôn phải nhớ. Bên cạnh báo chí truyền thống cần phải tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để truyền thông, định hướng dư luận. Đặc biệt, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em nên phát hành nhiều tài liệu về phòng và bạo vệ trẻ em để phổ biến kiến thức cho người dân.


Bà Đào Hồng Lan khẳng định: Xâm hại tình dục trẻ em luôn là vấn đề nóng, kể cả ở các nước phát triển. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa phải luôn đề cao, cần tập trung cung cấp kiến thức cho cộng đồng và trẻ em. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ban hành những bộ tài liệu về phòng, chống xâm hại trẻ em, các kỹ năng của cơ quan nhà nước, cũng như gia đình trẻ em sau khi trẻ bị xâm hại để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em.


Theo ông Đặng Hoa Nam, không ít cha mẹ đưa quá nhiều thông tin, hình ảnh của con lên mạng, dễ dẫn đến tội phạm lợi dụng những thông tin như trường lớp, đặc điểm cá nhân… để thực hiện hành vi vi phạm. Đã có rất nhiều vụ buôn bán trẻ em, xâm hại tình dục được khai thác thông tin từ mạng xã hội. Thủ phạm thường lợi dụng mạng xã hội gạ gẫm online sau đó offline để thực hiện hành vi xâm hại tình dục… “Ở Việt Nam có không ít những trường hợp như vậy. Ví dụ có trường hợp nam thanh niên từ Hà Nội đi vào Đà Nẵng gạ gẫm bé gái 15 tuổi xâm hại tình dục. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải học cách bảo vệ trẻ trong thời đại công nghệ thông tin phát triển và nguy cơ trẻ bị xâm hại càng tăng lên và phức tạp hơn. Cha mẹ cũng cần có ý thức cảnh giác phòng ngừa trẻ em bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào”, ông Nam nhấn mạnh.



XC/Báo Tin Tức
Chú trọng thu thập chứng cứ đối với tội phạm xâm hại trẻ em
Chú trọng thu thập chứng cứ đối với tội phạm xâm hại trẻ em

Trao đổi bên lề Kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu đã nêu ý kiến liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN