Cụ thể, sau khi có Quyết định 23, các Sở quản lý du lịch các địa phương có công văn đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể một số vấn đề vướng mắc, trong đó nổi cộm là vấn đề hợp đồng theo tour có được xác định là hợp đồng lao động (HĐLĐ) hay không.
Mới đây, Tổng cục Du lịch đã có công văn hướng dẫn và trả lời tương đối chi tiết của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc trên Cổng thông tin của Tổng cục. Từ trả lời này, một số sở quản lý du lịch địa phương bắt đầu có những hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận hồ sơ.
Theo Quyết định 23, các HDV muốn nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng cần có đủ các điều kiện sau: Có thẻ HDV còn hạn sử dụng; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm.
Do đặc điểm của nghề hướng dẫn nên 90% HDV công ty du lịch sử dụng là HDV du lịch tự do và thường được công ty du lịch ký với nhiều tên gọi như hợp đồng hướng dẫn, hợp đồng cộng tác, hợp đồng dịch vụ… (gọi chung là hợp đồng theo tour). Điểm chung của loại hợp đồng ngắn ngày này là theo chương trình tour (thường dưới 1 tháng) và không đóng BHXH, chỉ đóng bảo hiểm du lịch (một loại bảo hiểm thương mại đề phòng khi gặp tai nạn rủi ro).
Tuy vậy, theo hướng dẫn từ phía Tổng cục Du lịch thì hợp đồng lao động đủ 10 nội dung theo điều 21 Luật Lao động 2019 nếu HĐLĐ ký sau ngày 1/1/2021 hoặc theo điều Điều 23 Luật Lao động 2012 nếu HĐLĐ ký trước 1/1/2021. Theo đó, 10 nội dung sẽ bao gồm việc sử dụng lao động, mức lương, thời gian làm việc, nội dung công việc, đào tạo, đóng BHXH…. Hợp đồng lao động này phải được ký với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, quốc tế.
Trường hợp không có hợp đồng lao động thì có thẻ hội viên hội hướng dẫn viên du lịch. Theo hướng dẫn từ Tổng cục Du lịch, thẻ HDV du lịch và thẻ hội viên cấp trước hay sau ngày 7/7 (ngày ban hành Quyết định 23) đều có giá trị.
Điểm đáng lưu ý theo công văn hướng dẫn của Tổng cục Du lịch là Sở quản lý du lịch nào cấp thẻ cho HDV thì nhận hồ sơ của HDV đó, cho dù HDV đó hiện đang sinh sống tại địa phương khác hoặc có thẻ hội viên tại địa phương khác.
Ông Hà Tất Thắng, một cán bộ về hưu kiêm HDV du lịch tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Có một thực tế là HDV tự do ký hợp đồng ngắn hạn với nhiều Công ty lữ hành và mỗi hợp đồng chỉ có hiệu lực từ nửa ngày đến dưới 1 tháng. Do vậy, các công ty không biết phải nộp BHXH, BHYT, Thuế thu nhập cá nhân như thế nào cho người lao động cho đúng luật. Do vậy các loại hợp đồng này không bao giờ đầy đủ 10 nội dung của một HĐLĐ theo qui định của Luật Lao động. Đây là một vấn đề lớn cần có sự tương thích giữa các Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Du lịch, Luật Thuế (TNCN) để phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp HDV. Do đó, hợp đồng theo tour có chứng minh được lao động đang tham gia BHXH tự nguyện thì cũng nên chấp nhận bởi đây hướng mở của chính Luật BHXH. Thực tế, có một số hợp đồng lao động ghi hình thức đóng BHXH là người lao động tự lo”.
Anh Lại Văn Quân, một HDV du lịch cho biết: "Tôi đã gọi điện vào đường dây “nóng” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tham vấn về mẫu tờ khai theo Quyết định 23 yêu cầu phải có giấy xác nhận của doanh nghiệp nhưng thực tế hơn 1 năm chịu tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động và rút giấy phép. Theo chính số liệu công bố của Tổng cục Du lịch có khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành đang trong tình trạng “hôn mê sâu”. Điều này sẽ gây khó khăn cho không ít HDV khi làm thủ tục xác nhận".
Một vấn đề khác được nhiều HDV thắc mắc là đã có thẻ HDV do Tổng cục Du lịch cấp thì tại sao lại cần thẻ hội viên của Hội HDV, bởi như thế trùng lắp nhiều loại thẻ.
Về vấn đề này, theo những chuyên gia về du lịch, việc yêu cầu phải có thẻ hội viên xuất phát từ Luật Du lịch sửa đổi 2017 có hiệu lực năm 2018. Trước khi sửa đổi Luật, Tổng cục Du lịch là đơn vị cấp thẻ HDV nhưng HDV tự do sau khi được cấp thẻ thì hoạt động ra sao Tổng cục sẽ không nắm được bởi không có quy định báo cáo định kỳ như doanh nghiệp. Chỉ khi nào có sự cố, tranh chấp giữa đơn vị lữ hành với HDV thì mới truy vấn xem HDV có thẻ HDV hay không, điều đó có nghĩa đây là thẻ xác định điều kiện cần để hành nghề.
Do đó, khi tiến hành sửa Luật Du lịch, bên cạnh khoảng 10% HDV cơ hữu có hợp đồng lao động cố định với đơn vị lữ hành, một giải pháp “mềm” để quản lý HDV, nhất là HDV tự do được đặt ra là thông qua các hiệp hội.
Chính vì vậy Khoản 3, Điều 58 Luật Du lịch sửa đổi 2017 quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch đáp ứng 3 điều kiện: Có thẻ HDV du lịch; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa; Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Điều này được hiểu thẻ hôi viện chỉ để ghi nhận do tổ chức nào quản lý. Ông Nguyễn Văn Hân, HDV kỳ cựu cho biết, những đợt kiểm tra của thanh tra các Sở quản lý du lịch địa phương cho thấy họ luôn yêu cầu phải có hợp đồng lao động nhưng thường HDV chỉ xuất trình thẻ, chương trình tour và hợp đồng theo tour. Nếu thanh tra du lịch làm “gắt” thì nhiều HDV tự do sẽ bị phạt. Nhưng thực tế giai đoạn 2018-2019, thanh tra du lịch mới chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, còn từ năm 2020 đến nay do dịch COVID-19 nên cũng không kiểm tra.
Tuy nhiên, thực tế, khi Luật Du lịch sửa đổi 2017 có hiệu lực, việc tham gia hội chưa được sự đồng thuận của HDV tự do với nhiều lý do, trong đó việc tham gia Hội là hình thức tự nguyện nên chỉ khi thấy lợi ích thiết thực mới tham gia.
Chính vì vậy, với quy định từ hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, chỉ có một số lượng nhất định HDV sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết: Hồ sơ thẻ HDV còn hiệu lực cập nhật trên hệ thống Hồ sơ Cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch (huongdanvien.vn).
Dữ liệu từ hệ thống cho thấy có tổng số 28.325 HDV trong đó HDV tại điểm 1.120; HDV quốc tế là 17.718 và HDV nội địa là 9.487. Như vậy, trừ nhóm HDV tại điểm (hay còn được gọi tên khác là thuyết minh viên) thì HDV quốc tế và nội địa là 27.205 người.
Còn theo ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội HDV Việt Nam, tổng số HDV có thẻ hội viên Hội HDV Việt Nam hoặc do chi hội địa phương thuộc Hội HDV Việt Nam cấp là 7.000. Viêc đăng ký hội viên là tự nguyện và theo mẫu quy định. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch nên Hội cũng không thu hội phí.
Như vậy, làm phép tính có thể khẳng định đến cuối tháng 7 sẽ có khoảng 2.700 HDV cơ hữu có hợp đồng lao động cứng (đáp ứng đủ 10 yếu tố) và 7.000 HDV có thẻ hội viên, 1.120 HDV tại điểm đủ điều kiện nhận hỗ trợ thì sẽ có khoảng 17.300 HDV tự do không đủ điều kiện theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quý Phương cho biết, theo thông tin từ phía ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2020 có khoảng 3.000 HDV nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 năm 2020.