Các địa phương bị thiệt hại nhiều là huyện Dầu Tiếng, thị xã Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một. Cụ thể, huyện Dầu Tiếng có 3 người bị thương, sập 3 căn nhà, tốc mái 243 căn nhà, gãy đổ trên 45 ha cao su. Tại thị xã Tân Uyên, 6 căn nhà bị tốc mái, gãy 12 cây xanh, chập dây điện cháy hai điểm tại đường Phú Lợi, gãy một trụ đèn chiếu sáng tại thành phố Thủ Dầu Một. Các địa phương khác đang rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại.
Tại thành phố Thủ Dầu Một, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đã xử lý các điểm chập cháy; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công trình Đô thị đã huy động lực lượng khắc phục cây xanh gãy đổ, đảm bảo an toàn và lưu thông. Tại huyện Dầu Tiếng, thị xã Tân Uyên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã đã huy động lực lượng dân quân hỗ trợ đưa người bị thương đi cấp cứu, dọn dẹp hiện trường, đưa các hộ dân bị sập nhà về nơi tạm trú an toàn. Lực lượng chức năng đang tiếp tục dọn dẹp hiện trường; rà soát, thống kê, xác minh thiệt hại, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, để phòng, tránh hiệu quả với tình hình thời tiết cực đoan trong thời kỳ chuyển mùa, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về mưa lớn, dông lốc, thông tin kịp thời để người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố; hỗ trợ kịp thời người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.