Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã giúp người lao động có cơ hội tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách hưu trí vì mục tiêu an sinh khi về già.
Cách đây 12 năm, ông Nguyễn Văn Thắng ở bản Chậu, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La đang là nhân viên hợp đồng trong một đơn vị Nhà nước đã nhận quyết định nghỉ việc do đơn vị giải thể. Thời điểm đó, ông Thắng đã có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi nghỉ việc, ông có ý định thanh toán chế độ một lần. Năm 2008 là năm đầu tiên chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được triển khai. Ông đã được cán bộ bảo hiểm tư vấn tiếp tục tham gia để tránh thiệt thòi khi về già. Bởi ông chỉ cần tham gia thêm 10 năm liên tục sẽ được hưởng lương hưu và ông được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Khi được tư vấn như vậy, ông Thắng đã quyết định tham gia với mức đóng thấp nhất. Hai tháng nay, ông Thắng đã có quyết định của cơ quan Bảo hiểm được hưởng chế độ hưu trí với mức lương hưu hơn 1,3 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thắng phấn khởi chia sẻ, ông rất vui khi được nhận khoản tiền lương hưu. Tuy số tiền không lớn nhưng đó là nguồn động viên đối với ông khi về già. Ông nhận thấy chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có lợi cho người lao động khi tham gia. Bởi như trường hợp của ông, với mức đóng mỗi năm chỉ khoảng 3 triệu đồng nhưng khi nghỉ hưu trung bình tiền lương của ông được nhận là hơn 10 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp cận với người dân, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều cách làm hay: Không chỉ tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các tổ, bản, tiểu khu, tổ dân phố như trước đây mà chia thành các nhóm đến tận nơi người lao động đang sinh sống, làm việc để tuyên truyền, giúp người lao động hiểu hơn về chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước. Hiện nhiều người làm nghề tự do như buôn bán nhỏ ở chợ, nội trợ… cũng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với họ, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là tự đảm bảo, tự lo được tương lai cho chính mình khi về già, khi không còn sức lao động.
Chị Quàng Thị Piến, tiểu thương chợ Quyết Tâm, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La chia sẻ, công việc hàng ngày của chị rất vất vả vì phải dậy từ 3 giờ để đi lấy rau bán. Tuy nhiên, công việc không phải ngày nào cũng thuận lợi, lúc được lúc không. Khi được tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị đã quyết định tham gia để có lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Sơn La có hơn 80% dân số là dân tộc thiểu số. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập còn thấp, không ổn định, nhiều người chưa hiểu rõ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cùng với đó, tác động của dịch COVID-19 gây khó khăn trong việc phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm. Vì vậy, ngay sau khi hết giãn cách xã hội, ngành Bảo hiểm đã phối hợp với ngành Bưu điện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức gần 60 hội nghị tuyên truyền phát triển đối tượng với hơn 2.800 người tham dự. Đến hết tháng 5/2020, tỉnh Sơn La có gần 13.200 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tương đương 1,88% lực lượng lao động.
Bà Lê Thanh Xuân, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La cho biết, để đạt được kế hoạch, thời gian tới, ngành Bảo hiểm sẽ tiếp tục triển khai phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương mở các hội nghị tuyên truyền; đồng thời giao chỉ tiêu cho xã, phường, thị trấn để phát triển đối tượng. Ngành tăng cường tuyên truyền hướng tới các đối tượng tiềm năng, vận động họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vì lợi ích thiết thực là có lương hưu và được chi trả khi ốm đau, bệnh tật.