Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN |
Nguồn chi từ ngân sách Trung ương và địa phương dành cho lâm nghiệp, nguồn vốn đầu tư của các chủ rừng chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng. Do đó việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp.
Tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của toàn tỉnh Bắc Kạn là hơn 338.000 ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 274.000 ha, rừng trồng gần 64.000 ha; tuy nhiên chỉ có hơn 92.000 ha diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bắc Kạn đã chi trả tiền dịch vụ môi trường cho 5 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 39 chủ rừng là UBND cấp xã, 102 cộng đồng thôn và 10.125 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích chi trả là hơn 86.000 ha, tổng số tiền chi trả là hơn 6 tỷ đồng.
Theo Chi cục Lâm nghiệp Bắc Kạn, diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh khá lớn, đối tượng chủ rừng được chi trả nhiều, một số chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có sự thay đổi qua các năm gây khó khăn cho việc xác minh, lập hồ sơ, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong những năm gần đây, ngân sách cấp không đủ so với nhu cầu thực hiện các hạng mục lâm sinh. Vì vậy khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tỉnh là thiếu vốn. Nhu cầu kinh phí thực hiện theo khối lượng các hạng mục bảo vệ và phát triển rừng được giao tại quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm là rất lớn. Tỉnh chưa chủ động cân đối được kinh phí hỗ trợ cho các chủ rừng.
Đối với diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất, theo quy định hiện hành, chủ rừng chưa được khai thác gỗ từ rừng tự nhiên cho mục đích thương mại, chỉ được khai thác cho nhu cầu thiết yếu tại chỗ. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất không nằm trong lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên nhà nước chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất mà do người dân tự đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên người dân chỉ bảo vệ rừng, chưa đầu tư trồng bổ sung các loài cây có giá trị kinh tế, cây dược liệu, vì vậy nguồn thu nhập từ rừng rất thấp, chưa đảm bảo đời sống.
Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng hơn 278.000 ha diện tích rừng hiện có, trong đó diện tích rừng tự nhiên là hơn 274.000 ha, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng và phòng hộ đã thành rừng là trên 4.000 ha. Nhu cầu kinh phí để chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2018-2020 là hơn 33 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, thúc đẩy việc xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Để bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn cần hướng tới sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân sống gần rừng. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung chủ yếu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách của nhà nước liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng đến các chủ rừng. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, vận động người dân phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép để có biện pháp xử lý kịp thời…