Nhiều chính sách thiết thực để bảo vệ rừng Tây Nguyên

Công tác phát triển rừng ở các tỉnh Tây Nguyên hiện còn nhiều bất cập, nhất là việc quản lý bảo vệ rừng. Sau khi Báo Tin tức Cuối tuần số 19 đăng chuyên đề “Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng ở Tây Nguyên”, chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi từ Tổng cục lâm nghiệp xoay quanh vấn đề này.

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, trong những năm qua lâm nghiệp Tây Nguyên đang gặp những thách thức lớn mang tính chủ quan và khách quan, làm suy giảm nghiêm trọng diện tích, chất lượng rừng. Từ năm 2010 đến 2015, tổng diện tích có rừng giảm 312.416 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3, tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng. Công tác phát triển rừng còn nhiều hạn chế; việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác, tình trạng dân di cư tự do, xâm lấn đất trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, săn bắn, buôn bán động vật quý hiếm, khai thác gỗ trái phép... xảy ra nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Công tác tuần tra, bảo vệ rừng được các lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum triển khai mạnh mẽ.

Công tác quản lý các cơ sở chế biến hiệu quả thấp, thiếu đồng bộ và quy hoạch không thống nhất. Chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao trong quản lý bảo vệ rừng, công tác sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp còn chậm trễ, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên chưa đủ mạnh, ngân sách nhà nước đầu tư chưa tương xứng. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra nghiêm trọng. Năm 2016, số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện là 5.367 vụ, giảm 1.158 vụ (18%) so với năm 2015; diện tích bị thiệt hại là 435 ha, giảm 382 ha (47%) so với cùng kỳ năm 2015.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, tình trạng phá rừng trái phép tại Tây Nguyên do sức ép về phát triển kinh tế, xã hội ngày càng gia tăng. Dân số tăng nhanh do di cư tự do cần có đất ở và đất canh tác, tạo sức ép lớn lên tài nguyên rừng tại khu vực Tây Nguyên. Giá một số mặt hàng nông sản (cà phê, cao su, sắn, điều...) tăng mạnh dẫn đến tình trạng xâm lấn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ồ ạt, phá rừng trái phép để lấy đất trồng những loài cây có giá trị thương phẩm cao.


Nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở chưa quan tâm, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, chưa chỉ đạo quyết liệt trong quản lý bảo vệ rừng. Một số địa phương, cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp, đặc biệt vẫn để tồn tại những trọng điểm, tụ điểm phá rừng nghiêm trọng; thiếu kiên quyết chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp thường xuyên, đồng bộ. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn thiếu kiên quyết; phối hợp thiếu chặt chẽ; một bộ phận thiếu trách nhiệm, thậm chí tiêu cực, tiếp tay cho những người phá rừng.


Bên cạnh đó, công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều yếu kém và chậm triển khai trên thực tế, nhất là chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng. Công tác giao đất, giao rừng ở Tây Nguyên thực hiện chậm. Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng, mặc dù đã thực hiện rà soát hiện trạng rừng của các công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết số 28 - NQ/TW và Nghị quyết số 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng rừng ở Tây Nguyên vẫn chủ yếu giao cho các tổ chức quản lý. Việc quản lý các cơ sở chế biến gỗ, các tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả; việc cấp phép kinh doanh thiếu quy hoạch, không gắn kết với quy hoạch nguồn nguyên liệu. Việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


4 tháng năm 2017, số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện: 1.689 vụ, tăng 20 vụ so với cùng kỳ năm 2016; diện tích bị thiệt hại là 124 ha, giảm 72 ha so với cùng kỳ năm 2016.

Để phục hồi rừng Tây Nguyên và người dân có thể hưởng lợi được từ rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nhằm xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 231/2005/QĐ - TTg ngày 22/9/2005 về hỗ trợ doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên.


Sau đó 2 tháng, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định 304/2005/QĐ - TTg ngày 23/11/2005 về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên. Chính phủ cũng ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư và hưởng lợi đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức tham gia dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” căn cứ theo Quyết định số 166/2007/QĐ - TTg ngày 30/10/2007.


Trước yêu cầu và thách thức nêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng chính phủ xây dựng “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2025” nhằm đầu tư hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện đời sống và từ đó, giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng, hạn chế nạn phá rừng.


Hữu Vinh / Báo Tin Tức
Đỉnh điểm mùa khô hanh, Tây Nguyên tập trung phòng chống cháy rừng
Đỉnh điểm mùa khô hanh, Tây Nguyên tập trung phòng chống cháy rừng

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum đã tập trung mọi phương tiện, dụng cụ, nhân lực để phòng chống cháy rừng trong những tháng đỉnh điểm của mùa khô hanh Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN