Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu chăm lo chu đáo cho gia đình chính sách, người có công

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn hết sức nặng nề. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, trong quá trình xây dựng và phát triển, các địa phương cả nước, trong đó có Bắc Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu luôn chú trọng đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công.

Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam (mặc quân phục) và Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang Vũ Hồng Minh (áo dài) tặng quà cho thân nhân gia đình liệt sỹ. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Ngày 15/7 tại thành phố Bắc Giang, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bắc Giang tổ chức đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2017-2022. 

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bắc Giang thành lập nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sỹ tiếp cận, thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần giúp các gia đình liệt sỹ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn thất lạc. Đồng thời tham gia nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ chính sách, tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ và thân nhân.

Nhiệm kỳ 2017 - 2022 Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bắc Giang phấn đấu xây dựng quy chế hoạt động của ban chấp hành hội, tăng cường kết nạp hội viên mới, phấn đấu xây dựng 1 đến 2 chi hội ở cấp huyện. Hội phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi về tôn chỉ, mục đích của hội và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc; xây dựng, hoàn thiện website của hội.

Cùng với việc tiếp nhận và xây dựng các dự án, chương trình, các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến gia đình liệt sỹ, hội vận động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng nghĩa trang, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hội tham gia với các cơ quan nhà nước tìm kiếm, phát hiện, cung cấp thông tin về mộ, hài cốt liệt sỹ; hỡ trợ pháp lý về chế độ chính sác̣h đối với liệt sỹ và gia đình liệt sỹ.

Nhân dịp này, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam tặng một ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình vợ liệt sỹ trị giá 60 triệu đồng và 10 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ) cho thân nhân gia đình liệt sỹ.

Trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đã tiễn đưa hàng ngàn người con lên đường ra mặt trận, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Có không ít trong số đó đã hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Giờ đây, cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn hết sức nặng nề. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã luôn chú trọng đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, nổi bật là chính sách hỗ trợ nhà đối với người có công với cách mạng. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới trên 1.500 căn nhà tình nghĩa; sửa chữa hơn 1.000 căn nhà với tổng số tiền 80 tỷ đồng được trích từ nhiều nguồn. Đến nay, 100% đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhà ở khang trang.

Trước đây, căn nhà cũ của gia đình ông Trần Văn Triệu, con của liệt sỹ Trần Văn Hai, ngụ tại khu phố Hiệp Hòa, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ bị xuống cấp nghiêm trọng. Do kinh tế gia đình khó khăn nên ngôi nhà vốn dĩ đã xuống cấp lại càng dột nát hơn theo năm tháng.

Thực hiện Quyết định 22 /2013 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 22) về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, năm 2016, ông được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng lại căn nhà khang trang hơn, rộng rãi hơn.

Ông Trần Văn Hai cho biết , gia đình gặp nhiều khó khăn không có điều kiện xây, sửa nhà mới, nên nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ làm được cái nhà , chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện giúp đỡ. Có nhà mới rồi chúng tôi yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Tương tự, ông Trần Ngọc Ba, hiện ngụ tại khu phố Xóm Rẫy, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc là thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật trên 71%. Ông Ba tham gia kháng chiến từ năm 1964 tại chiến trường Quảng Nam. Trong một trận càn, ông đã bị thương ở đầu và hỏng một 1 con mắt. Khi đất nước hòa bình, ông phục viên trở về cuộc sống đời thường.

Ông lập gia đình và sinh được 4 người con. Do thương tật nặng , mất sức lao động nên cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và lo cho các con ăn học còn chưa đủ nên để có 1 căn nhà khang trang là điều trở nên quá khó với vợ chồng ông. Thấy được hoàn cảnh của ông, năm 2016 ông được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ 50 triệu đồng theo Quyết định 22 để xây dựng nên căn nhà mới thay thế căn nhà cũ dột nát, chật chội.

Vui mừng khi được ở trong căn nhà mới, ông Trần Ngọc Ba chia sẻ, có mơ ước tôi cũng không nghĩ có ngày gia đình lại có được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp như thế này. Tôi cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc vì được ở trong căn nhà mới cả đời làm lụng mà chưa có điều kiện để làm.

Không dừng lại ở việc chăm lo nhà ở cho các đối tượng chính sách, phong trào đền ơn đáp nghĩa tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được lan tỏa và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia. Vào những dịp lễ, tết, bên cạnh những món quà nghĩa tình của lãnh đạo tỉnh, hội, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp cũng tổ chức thăm, tặng quà gia đình chính sách tạo nên phong trào sôi nổi, thiết thực.

Qua đó góp phần làm ấm lòng những gia đình chính sách. Trong đó là việc chăm lo, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn tỉnh hiện có 45 Mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức 1 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện kịp thời các chế độ đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, các thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Ở các địa phương luôn đảm bảo việc chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em gia đình chính sách. Tỉnh còn triển khai các phong trào như: tặng sổ tiết kiệm, tổ chức dạy nghề , tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đón thương binh về an dưỡng tại gia đình; đưa đối tượng chính sách đi tham quan, nghỉ dưỡng…

Với tất cả những nỗ lực đó, đời sống của gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đã dần cải thiện. Cách đây 20 năm, toàn tỉnh có 79,61% đối tượng chính sách có đời sống từ trung bình trở lên thì đến nay, trên 99% đối tượng chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Con số này đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành và đoàn thể trong tỉnh. Sự tri ân của Ðảng và Nhà nước với người có công và thân nhân những người có công với cách mạng sẽ phần nào bù đắp lại những mất mát của họ và đó cũng là động lực lớn khuyến khích, động viên các hộ gia đình chính sách nỗ lực vươn lên.

Đồng Thúy - Hoàng Nhị (TTXVN)
Một số hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ tại Hà Nội
Một số hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ tại Hà Nội

Ngày 23/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã tới thăm hỏi, tặng quà thân nhân liệt sĩ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tại xã Viên An, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN