Những hành động chăm sóc thiết thực và ý nghĩa của toàn Đảng, toàn dân ta với những thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng... thể hiện sâu sắc tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Thăm hỏi thân nhân, gia đình liệt sĩ
Những ngày này, trên khắp đất nước Việt Nam, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đang diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Truy điệu các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Lào. Ảnh: Hồ Cầu |
Tại Ninh Bình, nhiều đoàn đã được tổ chức, đi thăm hỏi, tặng quà 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 969 gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Số quà trị giá 548,4 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách. Lãnh đạo tỉnh đã đến thăm và động viên các thương, bệnh binh đang điều trị, an dưỡng tại Trung tâm phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô, Quân y viện 5, Trung tâm điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng Tam Điệp và một số trung tâm điều dưỡng thương binh đặt tại huyện Liêm Cần, Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).
Khi đến thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Nho Quan, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Bùi Văn Nam ghi nhận sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách, thực hiện tốt đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đề nghị trong thời gian tới địa phương cần quan tâm hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, đã không tiếc xương máu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đến thăm, tặng quà và động viên gia đình cụ Bùi Xuân Tiễu, 93 tuổi, ở thôn Xuân Long, xã Gia Sơn có một người con trai duy nhất là liệt sỹ; cụ Nguyễn Văn Hướng, thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, có một con là liệt sỹ, một con là thương binh và cụ Nguyễn Thị Mai, 94 tuổi, ở thôn Hàm Rồng, xã Phú Lộc, có 2 con là liệt sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nam khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn biết ơn sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ trong các cuộc kháng chiến; mong muốn các cụ luôn sống vui khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.
Tại Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kon Tum đã tặng 20 suất quà cho các thương binh, gia đình liệt sỹ trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Tại Vĩnh Phúc, chùa Hà Tiên (thành phố Vĩnh Yên) phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, người có công với cách mạng, tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Hà Tiên cho biết: 5 năm gần đây, nhà chùa thường xuyên tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho những đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác như Nghệ An, Cao Bằng… Mặc dù giá trị về vật chất trong đợt khám chữa bệnh này không lớn, nhưng đây là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa, là món quà tinh thần chứa đựng nhiều tình cảm sâu sắc, biết ơn trước những mất mát, hi sinh của thương binh, bệnh binh.
Đi tìm đồng đội
Trên miền đất xa xôi ở nước bạn Lào, còn đó biết bao liệt sỹ đã hy sinh, máu xương của các anh đã hòa vào lòng đất. Để đưa đồng đội về với mảnh đất mẹ quê hương, các cán bộ, chiến sỹ Đội quy tập hài cốt liệt sỹ thuộc Phòng chính trị 584 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị) ngày đêm âm thầm vượt qua bao gian khổ khó khăn, thậm chí cả sự mất mát hy sinh để tìm kiếm, đưa đồng đội về với đất mẹ. Tính đến thời điểm này, Đội đã quy tập được 6.199 bộ hài cốt liệt sỹ trên địa bàn thuộc 3 tỉnh Khăm Muộn, Savanakhet, Salavan (Lào), xác định được 10/15 huyện, 715/916 bản của tỉnh Savanakhet theo thông tin người dân và các cựu chiến binh cung cấp.
Thượng tá Nguyễn Bá Châu - Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sỹ 584 tâm sự: Làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ đòi hỏi mình phải kiên trì tìm kiếm, cũng như luôn cố gắng nỗ lực không ngừng. Đặc biệt phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của những người đang sống đối với vong linh các anh hùng, những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc…
Trung tá Trần Quang Lục - Chính trị viên Đội quy tập hài cốt liệt sỹ 584 cho biết: “Có lẽ trăn trở lớn nhất đối với các thành viên của Đội là vẫn chưa đưa được hết các anh về với Tổ quốc. Chúng tôi cảm thấy áy náy với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống… Có lẽ niềm vui và phần thưởng lớn nhất đối với mọi người là khi hoàn thành được tâm nguyện dù phải nỗ lực và vượt qua khó khăn để đưa đồng đội trở về yên nghỉ trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Tưởng niệm và tri ân
Dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền thờ liệt sĩ ở thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình). Còn tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), các nhà sư và phật tử chùa Hà Tiên đã tổ chức đại lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Sáng 20/7, tại Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội đồng hương Việt kiều Hà Tĩnh tại Liên bang Nga đã tổ chức khánh thành và trao tặng công trình đài phun nước nghệ thuật tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Khởi công từ đầu tháng 4/2013 và khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Đồng Lộc, công trình được xây dựng ở phía trước Tượng đài Chiến thắng, nhằm tạo cảnh quan đẹp mắt, mát mẻ, tăng thêm sự sinh động cho quần thể Khu di tích. Tổng kinh phí xây dựng công trình là hơn 6 tỷ đồng do Hội đồng hương Việt kiều Hà Tĩnh tại Liên bang Nga đóng góp và trao tặng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Chí Tâm - Tham tán công sứ nước ta tại Liên bang Nga chia sẻ: Việc đóng góp xây dựng công trình đài phun nước nghệ thuật là tấm lòng hướng về quê hương, sự tri ân đối với những người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc của những người con Hà Tĩnh đang sinh sống, học tập, làm việc tại Liên bang Nga.
66 năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ về trách nhiệm với thương binh liệt sĩ và người có công, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống của toàn dân, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ của nhà nước ngày càng được mở rộng, việc xã hội hóa công tác thương binh liệt sĩ đã thu được hiệu quả khá cao với những việc làm thiết thực, giúp đỡ nhiều gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng... Các hoạt động ngày càng phát triển ở bề rộng và bề sâu..., góp phần làm dịu đi nỗi đau, sự mất mát do kẻ thù gây nên và tô đậm thêm truyền thống nhân nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Nhóm PV TTXVN