Những “gia đình” Mặt trận đã góp phần tô điểm thêm truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy truyền thống của gia đình, những cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã không ngừng phấn đấu, trở thành những cán bộ mẫu mực, tấm gương sáng trong các phong trào ở địa phương.
Ba thế hệ chung một tinh thần vì cộng đồng
Gia đình của ông Lê Văn Bồi (hiện đang là Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 1, Phường 2, Quận Phú Nhuận) là một trong những gia đình hiếm hoi mà cả 3 thế hệ trực hệ cùng tham gia công tác Mặt trận, tiêu biểu cho tinh thần tận tâm, hết mình vì cộng đồng.
Sau 20 năm vừa làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu phố vừa đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ, nhiều người dân tại khu phố 1 gọi ông bằng cái tên đầy kinh trọng “ông Bồi Mặt trận”,“ông Bồi Bí thư”.
Ở độ tuổi 81, ông Lê Văn Bồi vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Lật giở cuốn sổ cũ, chỉ vào những dòng chữ nắn nót ghi nội dung những buổi giao ban công tác Mặt trận, ông Bồi vui vẻ cho biết: Sau khi nghỉ hưu, tôi bắt đầu tham gia công tác Mặt trận tại khu phố từ năm 1999. Hơn 20 năm qua, tôi chưa từng bỏ buổi giao ban công tác Mặt trận hàng tháng nào.
Ông Võ Huỳnh Thuần, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 2, quận Phú Nhuận nhận xét: Ông Lê Văn Bồi là một tấm gương sáng về tinh thần tận tụy, nhiệt tình trong công tác. Dù tuổi cao, sức không còn khỏe như xưa, ông Bồi vẫn hoàn thành xuất sắc công việc trên cương vị Trưởng Ban Công tác Mặt trận và cả nhiệm vụ Bí thư Chi bộ ở khu phố. Những việc làm tích cực của ông Bồi đã giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận phường thực hiện thành công tác mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân chung tay cùng chính quyền xây dựng, phát triển địa phương.
Tự hào về truyền thống “gia đình Mặt trận”, ông Lê Văn Bồi cho biết: “Cụ thân sinh ra tôi tên Lê Chi, quê ở Bình Định, mất từ trước năm 1954. Ông cụ làm cán bộ Việt Minh. Được dân làng rất kính trọng”. Có lẽ dòng máu Việt Minh của cụ Lê Chi đã ngấm vào con cháu, để bao nhiêu năm qua, công tác Mặt trận đã trở thành một phần của cuộc sống của ông Lê Văn Bồi và đang được người con thứ tư của ông là anh Lê Văn Thu tiếp nối.
Tự hào nhắc đến người con hiện đang là Trưởng Ban Tuyên giáo - Đối ngoại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bồi nói: Khi biết Thu chuyển công tác về Mặt trận, tôi mừng lắm. Thu lành tính, chăm chỉ, rất hợp với công tác Mặt trận và nhà có thêm người theo đúng nghiệp của ông cha”.
Khi nói về cơ duyên theo “nghiệp” gia đình, anh Lê Văn Thu cho biết, thực ra việc có ông nội và bố làm công tác Mặt trận cũng không phải là lý do chính khiến tôi chuyển sang Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Phú Nhuận vào năm 2008 mà chỉ có thể nói đó là “duyên nghiệp”. “Khi vào làm công tác Mặt trận, tôi càng tự hào hơn về truyền thống gia đình có tới 3 thế hệ trực hệ tham gia công tác. Toàn hệ thống Mặt trận cũng không có nhiều gia đình như thế. Đó cũng là một yếu tố khiến tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực phấn đấu làm tốt công việc của mình”, anh Lê Văn Thu chia sẻ.
Phát huy truyền thống gia đình, sau 12 năm làm chuyên trách công tác mặt trận các cấp, ở cương vị nào, anh Lê Văn Thu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; từ công tác tuyên truyền vận động Quỹ vì người nghèo, Quỹ Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc cho đến các hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, các chương trình công tác Mặt trận hàng năm, góp phần xây dựng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tiếp gần đây.
Từ hai mươi năm “làm dâu trăm họ” và “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông Lê Văn Bồi rút ra bài học, khi người cán bộ Mặt trận dành thời gian để gần với nhân dân, miệng nói tay làm, đoàn kết thương yêu bà con, mọi khúc mắc, khó khăn đều có thể giải tỏa. Từ đó, nhân dân sẽ tự nguyện, đồng lòng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng các chương trình, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Cũng từ những bài học đó, ông Lê Văn Bồi đã góp phần cùng hơn 400 hộ của 12 tổ dân phố trong khu phố 1 phấn đấu đạt thành tích 14 năm liền là Khu phố văn hóa.
Luôn nỗ lực để xứng đáng với truyền thống gia đình
Tới phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, hỏi gia đình cụ Nguyễn Văn Ninh, ai cũng biết, bởi cụ là người hiền lành, có uy tín trong cộng đồng. Cụ cùng con gái và cháu nội rất tích cực trong công tác Mặt trận, luôn đi đầu thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, tuyên truyền, vận động nhân dân.
Cụ Nguyễn Văn Ninh, sinh năm 1921, từng là Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Kỹ thuật ở miền Bắc. Sau khi đất nước giải phóng, cụ Ninh chuyển vào miền Nam công tác, đồng thời nhận nhiệm vụ tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương, đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh giai đoạn 1975 - 1976.
Những năm đầu, đời sống nhân dân còn khó khăn, cụ Nguyễn Văn Ninh đã chủ động, mượn đất của người dân không sử dụng trên địa bàn, cải tạo thành ao nuôi cá, lấy tên là ao nuôi cá Bác Hồ. Số tiền lãi của việc bán cá được cụ Ninh và tổ chức Mặt trận dùng để chăm lo cho các gia đình khó khăn, phát học bổng cho học sinh nghèo. Trong công tác tuyên truyền, cụ tích cực giới thiệu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi hình thức sản xuất để thoát nghèo. Hằng năm, cụ đẩy mạnh vận động các mạnh thường quân chăm lo cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Trở về với cuộc sống thường nhật, cụ Ninh còn tích cực động viên, thuyết phục người thân trong gia đình tham gia công tác vận động quần chúng. Con gái cụ là bà Trịnh Thị Vân, được cụ vận động tham gia công tác Mặt trận từ năm 2002, làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 10.
Trong công việc, bà Vân luôn là người sâu sát từng hộ dân, nắm rõ từng hoàn cảnh, đến từng nhà tuyên truyền người dân ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, vận động người dân không xả rác bừa bãi, thực hiện tốt chương trình của Thành phố đề ra. Bên cạnh đó, bà Vân còn khéo vận động 100% hội viên thực hiện gia đình “5 không, 3 sạch”; phụ nữ trong xã tham gia 100% hoạt động tuyên truyền do xã, huyện tổ chức. Nhờ lợi thế từ việc nhiều năm tham gia công tác dân vận, bà luôn nắm chắc hoàn cảnh từng gia đình, thấu hiểu những khó khăn của các hộ, vì vậy đã đề ra nhiều giải pháp giúp các hộ thoát nghèo, nhận được sự quý mến, tín nhiệm của bà con và hai lần được tuyên dương điển hình Dân vận khéo.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bà Vân luôn tích cực phối hợp với tổ giao thông thủy lợi xã, các đoàn thể, tổ nhân dân lên kế hoạch tổ chức họp dân lấy ý kiến, tuyên truyền giải thích cho dân hiểu, vận động nhân dân hiến đất, đóng tiền làm cống thoát nước trên nhiều tuyến đường địa bàn xã và một số hẻm nội bộ, thuận tiện cho bà con đi lại.
Không chỉ bản thân tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương, bà Trịnh Thị Vân còn định hướng cho người con gái tham gia công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Tiếp nối truyền thống gia đình, từ năm 2003 đến nay, chị Nguyễn Thị Vân Trang (sinh năm 1980, con gái bà Vân) tham gia hoạt động trong hệ thống Mặt trận, hiện là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
Với vai trò của mình, chị Trang có nhiều sáng kiến xây dựng chương trình thi đua cho các ban công tác Mặt trận khu phố, có nhiều mô hình trong khu dân cư, điển hình là mô hình Xích khóa an ninh, giữ gìn tài sản trong nhân dân ban đầu được thực hiện thí điểm tại khu phố 12 của phường Bình Trị Đông, sau đó nhân rộng cho 10 phường trên địa bàn quận Bình Tân. Từ ngày mô hình được triển khai, tình hình trộm cắp xe máy cũng phần nào giảm. Sau đó, nhờ sự phối hợp với Công an phường, chị Trang tiếp tục vận động xây dựng và thành lập mô hình Câu lạc bộ dưỡng sinh, trang bị các kiến thức phòng, chống tội phạm cho người cao tuổi.
Tự hào được tiếp bước truyền thống gia đình tham gia công tác mặt trận, chị Trang chia sẻ, điều này vừa thuận lợi nhưng cũng vừa áp lực với bản thân. Vì vậy, mình luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đề xuất nhiều cách làm, mô hình hay để đáp ứng kỳ vọng của người dân địa phương vào tổ chức Mặt trận, cũng như niềm tin của bà con, lãnh đạo địa phương với mình.
Qua nhiều thế hệ, gia đình cụ Ninh đã tích cực vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên "gia đình Mặt trận" này luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, quy định pháp luật, thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, đóng góp nhiều giải pháp thực hiện tốt phong trào, hỗ trợ mặt trận cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Nói về những “gia đình Mặt trận”, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Thật trân quý khi tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, nhiều gia đình có 2 thế hệ, 3 thế hệ gắn bó với công tác Mặt trận, để xây dựng nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức xây dựng thành phố. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố vinh danh các gia đình Mặt trận như một lời ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn của các gia đình mặt trận, các cán bộ mặt trận qua các thời kỳ đã cống hiến sức mình vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, vì mái nhà chung Mặt trận Tổ quốc ”.
Bài 3: Tiên phong trong các phong trào thi đua