TP Hồ Chí Minh sẽ linh hoạt trong sắp xếp các đơn vị hành chính

Theo đại diện Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được UBND TP yêu cầu phải linh hoạt, phù hợp tình hình, diễn biến thực tiễn. Qua rà soát, TP Hồ Chí Minh có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 149 đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo về tiêu chí diện tích và dân số, nên cần phải thực hiện sắp xếp.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh linh hoạt, thực hiện hiệu quả sắp xếp các đơn vị hành chính. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết số 117/NQ - CP của Chính phủ, qua rà soát, TP Hồ Chí Minh có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 149 đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo về tiêu chí diện tích và dân số.

Trong đó, 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp gồm: Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận 11 và quận Phú Nhuận. Hiện nay, Sở đang trong quá trình rà soát 6 quận và 142 phường, xã thuộc diện sáp nhập. 

Sau khi có đầy đủ hồ sơ, số liệu mới có cơ sở tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều đơn vị hành chính đã được sắp xếp vào giai đoạn trước theo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2021, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại 3 quận (Quận 2, Quận  9 và Thủ Đức) để thành lập TP Thủ Đức; sắp xếp 19 phường thành 9 phường. Qua sắp xếp, TP Hồ Chí Minh đã giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện; 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện nay, các đơn vị hành chính được sắp xếp cơ bản hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính, TP Hồ Chí Minh cũng gặp những khó khăn. Đơn cử như vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp đội ngũ cán bộ cũng như cơ sở vật chất. Đặc biệt, việc sắp xếp này ảnh hưởng đến hoạt động người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là bài học thực tiễn đối với TP Hồ Chí Minh cho việc sắp xếp trong thời gian tới.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, hiện TP Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã. Đặc điểm nổi bật với các đơn vị hành chính này diện tích nhỏ nhưng dân số rất đông và hoạt động hành chính theo quy mô dân số/quy mô kinh tế rất lớn. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 21/22 đơn vị cấp huyện và 223/312 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số. Thậm chí, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) đạt trên 2.000% về dân số (tức gấp 20 lần về tiêu chuẩn). Hay như Quận 1, dân số đăng ký là 239.000 người  nhưng hàng ngày phải phục vụ cho khoảng 1 triệu người.

“Đặc điểm này đặt ra cho TP Hồ Chí Minh nhiều khó khăn trong sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã, đòi hỏi Thành phố phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, vừa thực hiện đúng các chủ trương của Trung ương, vừa phù hợp thực tế Thành phố, nhằm hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhưng không gây xáo trộn lớn, tạo động lực phát triển của TP Hồ Chí Minh”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo lập phương án, xây dựng và hoàn thành Đề án theo đúng tiến độ theo quy định. TP Hồ Chí Minh xác định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải gắn sát với việc lập quy hoạch thành phố, rà soát quy hoạch chung và đặc biệt gắn sát việc triển khai Đề án xây dựng nền công vụ TP Hồ Chí Minh hiệu lực - hiệu quả. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố; chuẩn bị các phương án xử lý các vướng mắc, phát sinh. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung tuyên truyền và có hình thức lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Theo Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp: Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Chạy thử nghiệm toàn tuyến Metro số 1 vào ngày 29/8
TP Hồ Chí Minh: Chạy thử nghiệm toàn tuyến Metro số 1 vào ngày 29/8

Chuẩn bị cho buổi chạy thử nghiệm toàn tuyến vào ngày 29/8, nhà thầu Hitachi đang cố gắng tập trung nhân lực hoàn tất công tác lắp đặt và thử nghiệm khu vực ngầm để có thể kết nối thông suốt từ ga cuối Suối Tiên đến ga đầu Bến Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN