Theo đó, quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng có 3 bước, gồm: Phát hiện F0; xử lý ổ dịch phát hiện tại hộ gia đình và điều tra, xử lý ổ dịch tại cồng đồng.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, F0 được phát hiện thông qua xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên từ nhiều nguồn như: sàng lọc các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ; xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực nguy cơ cao hoặc các nhóm nguy cơ; người dân tự làm xét nghiệm và khai báo cho trạm y tế…
Các trường hợp có kết quả dương tính với xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên đều được xem là F0 và đưa vào chăm sóc, quản lý. Đối với trường hợp người dân tự làm xét nghiệm, nếu không đủ chứng cứ để xác định F0 thì thực hiện lại xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, ổ dịch gia đình là nơi ở của F0 và phải được xử lý ngay khi xác định thông tin F0. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho tất cả các thành viên sống cùng nhà với F0 và cách ly hộ gia đình 14 ngày kể từ ngày phát hiện ca F0 đầu tiên trong hộ; dán biển cảnh báo trước nhà.
Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, có thở nhanh hoặc SpO2 dưới 96% thì gọi tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu và chuyển vào bệnh viện. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì cho cách ly điều trị tại nhà và cấp túi thuốc A, B, C; nếu F0 không đủ điều kiện cách ly và chăm sóc tại nhà thì sẽ tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp như tại cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở cách ly có thu phí, khu cách ly tập trung của địa phương.
Sở Y tế cũng lưu ý, trong thời gian cách ly, nếu phát hiện thêm F0 trong cùng hộ gia đình thì không tính thêm thời gian cách ly cho những người còn lại trong hộ.
Theo Sở Y tế, nếu tại địa bàn phường, xã phát hiện trên 10 hộ có F0 thì phải kích hoạt một trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; nếu trên 50-100 hộ có F0 thì kích hoạt thêm trạm y tế lưu động.
Đối với ổ dịch cộng đồng là khu vực dân cư có ít nhất 2 hộ gia đình có F0 trở lên sẽ tạm thời phong toả theo phạm vi đã xác định trong 24 giờ để thông báo cho người dân trong khu vực biết tình hình, hướng dẫn người dân biết và tuân thủ các quy định quản lý ổ dịch.
Huy động lực lượng thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 2 - 4 giờ cho tất cả người dân trong ổ dịch để đánh giá mức độ nguy cơ.
Từ kết quả xét nghiệm tầm soát ổ dịch cộng đồng và đặc điểm khu vực dân cư, tiến hành phân loại nguy cơ của ổ dịch theo mức độ nguy cơ của các tiêu chí đánh giá từ nguy cơ thấp đến nguy cơ rất cao.
Về quản lý các ổ dịch, theo hướng dẫn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đối với ổ dịch nguy cơ thấp, xét nghiệm 5 ngày/lần (xét nghiệm nhanh mẫu gộp theo hộ gia đình) cho mỗi người dân trong ổ dịch (trừ các hộ có F0) đến khi không còn phát hiện F0. Người có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại và sinh hoạt bình thường nhưng không được tham dự những sự kiện tập trung trên 20 người, tự theo dõi sức khỏe và khai báo với trạm y tế địa phương khi có triệu chứng để được xét nghiệm ngay.
Đối với ổ dịch nguy cơ cao xét nghiệm mỗi 3 ngày/lần (xét nghiệm nhanh mẫu gộp theo hộ gia đình) cho mỗi người dân trong ổ dịch (trừ các hộ có F0) đến khi không còn phát hiện F0. Người có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại nhưng giới hạn việc giao tiếp, ghi nhớ người và nơi đã giao tiếp nếu có, không được tham dự những sự kiện tập trung trên 10 người, tự theo dõi sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày, xét nghiệm khi có triệu chứng.
Đối với ổ dịch nguy cơ rất cao sẽ phong tỏa cứng cả khu vực ổ dịch, xét nghiệm mỗi 2 ngày/lần và ít nhất 3 lần, nếu không còn phát hiện F0 thì giải tỏa (chỉ còn cách ly các hộ gia đình có F0). Quản lý nghiêm khu vực phong tỏa, đảm bảo cách ly tuyệt đối nhà với nhà.