Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Tri ân sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ

Ngày 6/1, tại Hội trường Thống nhất, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu, trao đổi với các đại biểu. 

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.

Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới, thắng lợi từ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, ý chí và quyết tâm chống Mỹ cứu nước, tinh thần một quốc gia thống nhất của nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh.

“Những trận đánh lẫy lừng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã tạo nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mãi mãi tri ân, biết ơn đến các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng những gì thế hệ cha anh giành được. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách để vươn tới trở thành đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Hôn, chiến đấu viên đội 5 Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968, chia sẻ tại buổi họp mặt. 

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Giao lưu với các đại biểu, ông Phan Văn Hôn, chiến đấu viên Đội 5 trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn không quên ký ức ngày 29 Tết năm đó. Đội 5 Biệt động của ông có 15 người, tập trung tại căn nhà số 287/70 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu để nhận nhiệm vụ.

Từ mệnh lệnh của cụm trưởng Nguyễn Văn Tăng và đồng chí chỉ huy Tô Hoài Thanh, ai cũng sẵn sàng, hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trước trận đánh lớn. Toàn đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 9/15 người hy sinh kể cả đồng chí chỉ huy Tô Hoài Thanh.

Ông Phan Văn Hôn chia sẻ, là người lính, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, không có suy nghĩ gì khác ngoài tinh thần chiến đấu, phục vụ nhân dân bởi quân đội nhân dân xuất phát từ nhân dân, chiến đấu vì nhân dân. Nếu lịch sử có lặp lại, chúng tôi vẫn quyết định như thế.

Đảng cần, đơn vị cần, các chú, các anh cần chúng tôi luôn sẵn sàng. “Những người chiến đấu bên cạnh tôi, sự hy sinh dũng cảm của họ khi tuổi đời mới chỉ đôi mươi có lẽ là ký ức khiến tôi không bao giờ có thể quên được”, ông Phan Văn Hôn xúc động nói.

Đại diện cán bộ, đoàn viên, thanh niên, anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào, lòng biết ơn về sự hy sinh của các thế hệ đi trước.

Chú thích ảnh
Các đại biểu xem triển lãm ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 

Theo anh Ngô Minh Hải, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nguyện phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, biến những vấn đề của đất nước, của nhân dân thành suy nghĩ thường trực trong mỗi công dân trẻ, mỗi hành động thiết thực hàng ngày, kế tục xứng đáng sự nghiệp mà Đảng, Bác Hồ và thế hệ tiền bối cách mạng đã đánh đổi bằng xương máu của mình để dựng nên.

Trước đó, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tại Bia Tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất). Đây là nơi ghi dấu cuộc chiến đấu oanh liệt của 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định vào Tết Mậu Thân 1968.

Nơi đây, vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 (rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), 15 chiến sĩ Đội 5 đã tấn công vào Dinh Độc Lập - ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đối đầu với kẻ thù đông hơn, mạnh hơn nhiều lần về hỏa lực. Cán bộ, chiến sĩ Đội 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 8 chiến sĩ anh dũng hy sinh, 7 chiến sĩ sa vào tay giặc.

Tin, ảnh: Thu Hương (TTXVN)
Nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Từ ngày 5 đến 9/1, tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị xuất bản tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN