Tiếp tục chương trình phiên họp 17, ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi); cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh và một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tiếp tục làm rõ chức năng phản biện của Mặt trận Tổ quốc
Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) trình UBTVQH cho ý kiến gồm 5 chương, 34 điều; so với luật hiện hành tăng thêm 1 chương, 16 điều. Dự thảo bổ sung các quy định về chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQ Việt Nam; về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các quy định về MTTQ Việt Nam tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về hoạt động của MTTQ Việt Nam trên một số lĩnh vực, điều kiện bảo đảm hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản tán thành với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết sửa đổi luật nhằm tạo lập cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn bày tỏ sự băn khoăn, chưa thống nhất cao về một số nội dung quan trọng của dự thảo liên quan đến những chính sách mới trong các quy định của dự thảo luật. Đặc biệt là quy định về chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Hầu hết các ủy viên UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn nữa bản chất, cơ sở lý luận, căn cứ vững chắc để đảm bảo tính thuyết phục, khả thi, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của việc thể chế quan điểm về chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQ. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, để có chức năng đại diện của nhân dân, cần làm rõ cơ chế để nhân dân “ủy quyền” cho MTTQ Việt Nam và tiếp tục cụ thể hóa tính chất liên minh kết nối của Mặt trận; phương thức đại diện, phương thức bảo vệ. Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần tính toán kỹ hơn tính pháp lý của vấn đề MTTQ là đại diện của nhân dân bởi theo quy định hiện hành, chỉ có 2 loại đại diện là đại diện ủy quyền và đại diện đương nhiên theo luật.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cơ quan cần rà soát, làm rõ và quy định cụ thể hơn các nội dung về hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng một khung pháp lý rất cụ thể, bao gồm phạm vi, quy trình, thủ tục từng cấp độ khác nhau, thẩm quyền khác nhau... bởi quy định như dự thảo còn quá nguyên tắc, khó đưa vào vận hành trong cuộc sống.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, chuẩn bị thêm để làm rõ hơn 4 vấn đề cơ bản mang tinh thần mới của dự thảo là: Đại diện - bảo vệ - giám sát -phản biện.
UBTVQH và cơ quan soạn thảo đã thống nhất lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật MTTQ (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013.
Từ 1/1/2014, áp dụng thuế suất phổ thông 22%
Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày cho thấy qua thống kê kết quả kê khai tạm nộp 4 quý năm 2012 của 63 địa phương thì các giải pháp miễn, giảm thuế đã hỗ trợ các doanh nghiệp là 2.468 tỷ đồng; miễn khoảng 62,4 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng ( GTGT) cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ, chăm sóc trông giữ trẻ. Miễn thuế từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 cho các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 khoảng 1.388 tỷ đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ 50 tỉnh, thành phố, đến hết năm 2012, tổng giá trị tồn kho trong lĩnh vực bất động sản khoảng 111.963 tỷ đồng. Tình trạng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn gây đình trệ sản xuất cho nhiều doanh nghiệp liên quan. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế, đặc biệt lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cũng thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước đối với những người có thu nhập thấp trong việc mua nhà ở, cần có những giải pháp tài chính đồng bộ, trong đó có giải pháp về thuế.
Đa số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để cùng với các giải pháp khác góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Tán thành với những biện pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không khỏi băn khoăn về việc 3 năm liên tục Quốc hội đều ban hành nghị quyết về thuế để tháo gỡ khó khăn dẫn đến không bảo đảm tính ổn định của chính sách thuế.
Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn, việc miễn giảm thuế nên thực hiện càng sớm càng tốt. Chính phủ đề xuất cho áp dụng sớm quy định doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được áp mức thuế suất 20% là phù hợp bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi điều kiện kinh tế khách quan. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì đây là những đối tượng gặp khó khăn hơn cả, cần áp dụng chính sách này ngay từ 1/7/2013 và kéo dài thời hạn thực hiện chính sách giảm thuế GTGT áp dụng cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh phát sinh từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 31/12/2014.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, việc công bố lộ trình áp mức thuế suất phổ thông 22% vào 1/1/2014 và 20% vào đầu năm 2016 là hợp lý, cần nghiên cứu để tiếp tục giảm mức thuế suất này xuống còn 20% vào năm 2018.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị không ban hành một nghị quyết riêng về chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà các chính sách này sẽ được nghiên cứu đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và Luật Thuế GTGT.
Cẩn trọng với gói giải pháp về thị trường bất động sản
Cơ bản tán thành với chủ trương giảm thuế GTGT theo Tờ trình của Chính phủ với nhận định: Việc triển khai thực hiện gói giải pháp này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm tải lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng những đối tượng có thu nhập chỉ mua được căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đều là những đối tượng chưa phải có thu nhập cao. Do vậy, cần nghiên cứu, quy định theo hướng: Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra (thay vì 30% như đề xuất của Chính phủ) đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thông thường như nội dung Tờ trình.
Cũng có ý kiến băn khoăn việc giảm thuế GTGT đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2. Do vậy, cần xem xét một cách cẩn trọng, toàn diện trước khi ban hành chính sách này.
TTN