Tìm cách nâng cao giá trị hạt lúa - Bài 2: Mục tiêu là tăng “chất”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thị trường tiêu thụ lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL trong cả tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều địa phương cho biết, giá lúa chỉ tăng nhẹ trong thời gian triển khai chương trình tạm trữ lúa gạo và tăng chủ yếu trên giống lúa chất lượng thấp, cụ thể là lúa IR50404. Tuy nhiên, trong cơ cấu giống vụ hè thu năm 2013, Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung gieo cấy những giống lúa chất lượng cao, giảm diện tích gieo trồng giống IR50404, chỉ khống chế ở mức từ 15 - 20% diện tích.

 

IR50404 được giá chỉ là nhất thời


Trên thực tế, tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, nông dân đang có xu hướng quay trở lại sử dụng giống lúa IR50404 trong vụ hè thu này. Lý do là bởi, vụ đông xuân, giống lúa này được giá và được các thương lái tìm mua nhiều; trong khi các giống lúa chất lượng cao đang tồn trong dân rất nhiều nhưng không bán được, hoặc bán được thì giá cũng không cao hơn giá lúa chất lượng thấp này là bao nhiêu.


Sản xuất, chọn lọc lúa giống tại Trung tâm giống nông nghiệp Tiền Giang. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lúa IR 50404 hiện được giá là bởi kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chỉ có nhu cầu nhập gạo phẩm cấp thấp, hoặc gạo trộn (gạo chất lượng cao trộn lẫn gạo IR50404). Điển hình là thị trường châu Phi, trong đó nổi bật là Ănggôla. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu gạo sang nước này tăng gần 260%.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ sẽ không triển khai thu mua tiếp lượng lúa tồn đọng trong vụ này vì chương trình thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa xuống thấp để đảm bảo nông dân có lãi 30%.

Tuy nhiên, nhu cầu nhập gạo phẩm cấp thấp chỉ là nhu cầu trước mắt; còn về lâu dài, có rất nhiều thị trường có nhu cầu nhập gạo chất lượng cao. Nếu Việt Nam không nắm bắt được nhu cầu này của thế giới và có kế hoạch triển khai về cơ cấu giống thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn ở mức thấp. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 2,38 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, tăng gần 8% về lượng nhưng về giá trị lại giảm 0,2%. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ ở mức 445 USD/tấn, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn cả giá gạo của Ấn Độ, Pakixtan; mức thu nhập của người trồng lúa trong những tháng đầu năm 2013 thấp hơn năm trước.


Rõ ràng là nếu không có chiến lược nâng cao chất lượng gạo thì trong những năm tới giá xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ còn thấp hơn các nước và như vậy mục tiêu đảm bảo cho nông dân có lãi 30% sẽ mãi xa vời.

 

Giảm dần diện tích lúa chất lượng thấp


Trước tình trạng nông dân có xu hướng mở rộng diện tích gieo cấy lúa IR50404, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo sản xuất bảo đảm cơ cấu gieo trồng hợp lý với các giống lúa chất lượng cao, giảm diện tích gieo trồng lúa chất lượng thấp IR50404. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương xem xét, ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013.
Theo kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2013, Bộ yêu cầu các tỉnh khuyến cáo nông dân tăng sử dụng giống lúa chất lượng cao. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, các giống lúa chủ lực được khuyến cáo gieo trồng tại khu vực Nam bộ gồm: OM 4218, OM 2517, Jasmine 85, OM 4900... cùng các giống lúa chịu phèn, mặn từ trung bình đến khá như AS 996, MTL 480, OM 5629, OM 6377.


Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, các giống được khuyến cáo gieo trồng ở vùng chạy lụt gồm: Việt lai, Q ưu, PAC 807 và một số giống lúa thuần cực ngắn ngày; Vùng còn lại thì trồng các giống Khải phong, Nhị ưu, Nghi hương, TH3 - 3, TH3 - 4, HYT 100... Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trồng các giống chủ lực như: ĐV 108, KD đột biến, OM4900, HT1, Q5...


Ngoài ra, Bộ cũng khuyến cáo nông dân nên trồng các giống bổ sung, triển vọng khác có ưu điểm kháng sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu. Riêng với giống lúa chất lượng thấp, các địa phương chỉ duy trì ở mức dưới 20% diện tích.

 

Trao đổi với PV Tin tức, Tiến sĩ Tăng Thị Hạnh (Trường Đại học Nông nghiệp I) cho biết: IR 50404 có nguồn gốc từ Viện lúa quốc tế, được đưa vào gieo trồng tại Việt Nam từ năm 1992. Đây là giống lúa dễ tính, ngắn ngày và cho năng suất cao (trên 7 tấn/ha, trong khi năng suất lúa trung bình chỉ đạt 5,6 tấn/ha), thích hợp với nhiều loại đồng đất, có khả năng kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn rất tốt. Do giống này cho năng suất cao mà thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 90 ngày, lại dễ chăm bón nên nông dân rất thích trồng. Tuy nhiên, IR50404 có nhược điểm là hạt gạo to, cơm khô.

 

Huyền Tím

 

Bài cuối: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Tìm cách nâng cao giá trị hạt lúa - Bài cuối: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
Tìm cách nâng cao giá trị hạt lúa - Bài cuối: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa. Vì vậy, cần các giải pháp đồng bộ từ giống; chính sách thu mua, tạm trữ; thị trường... mới mong cải thiện được cuộc sống của đại bộ phận nhà nông”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN