Tìm cách nâng cao giá trị hạt lúa - Bài cuối: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa. Vì vậy, cần các giải pháp đồng bộ từ giống; chính sách thu mua, tạm trữ; thị trường... mới mong cải thiện được cuộc sống của đại bộ phận nhà nông” - GS. TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học kinh tế nông nghiệp miền Nam, cho biết.

 

Người trồng lúa các tỉnh ĐBSCL đang mong chờ những giải pháp đồng bộ nâng cao được thu nhập.

 

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu nhà nông đạt được tỷ lệ “vàng” như “khát khao” của ngành nông nghiệp, khoảng 30% lợi nhuận từ giá lúa, thì thu nhập của họ vẫn thấp hơn 1 USD/người/ngày. Cụ thể, ĐBSCL có khoảng 4 triệu hộ trồng lúa, nếu tính quy mô trung bình khoảng 4,4 nhân khẩu/hộ thì lợi nhuận bình quân của mỗi người chỉ hơn 300.000 đồng/tháng. Với mức cân đối này, người trồng lúa vẫn có thu nhập dưới cả ngưỡng nghèo (quy định 400.000 đồng/người/ tháng).


“Ngoài việc tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong xuất khẩu gạo, ngành lúa gạo nên chú trọng phân chia hợp lý hơn thu nhập từ giá trị gia tăng của hạt gạo cho người nông dân. Chính phủ cần sớm xây dựng chiến lược nông nghiệp cho các vùng trồng lúa lớn như ĐBSCL, trong đó hỗ trợ nông dân theo hướng mới, khoa học và căn bản hơn, cũng như có chính sách thiết thực giúp nông dân tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của hạt gạo, góp phần gia tăng lợi nhuận”, bà Lê Thị Ngọc Dung - Viện Nguyên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, đến nay năng lực cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam vẫn thua gạo Thái Lan. Cụ thể, mức giá trung bình của gạo Việt Nam luôn thấp hơn gạo Thái Lan từ 100 - 200 USD/tấn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để nâng cao giá trị hạt gạo, cần phải xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, khẳng định giá trị hạt gạo trong nước trên thị trường quốc tế. Muốn làm được điều này, cần sự chung tay của nhà khoa học về giống; doanh nghiệp về thị trường, bao tiêu sản phẩm; tổ chức tín dụng trong cung cấp vốn tín dụng ưu đãi và quan trọng nhất vẫn là vai trò của Nhà nước trong việc ban hành cơ chế, chính sách riêng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.


Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần có kế hoạch chi tiết hơn về sản xuất lúa chất lượng cao và có giải pháp tiêu thụ sản lượng lúa hàng hóa trong dân. Để nâng cao được giá trị hạt gạo, theo hiệp hội, cần nâng cao vai trò liên kết chặt chẽ giữa các cá thể trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bao gồm: nhà nông, doanh nghiệp, nhà quản lý..., trong đó chú trọng đến sự phân công, phân nhiệm cụ thể. Theo đó, nhà khoa học sẽ đưa ra quy trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, huấn luyện nhà nông làm theo quy trình; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra... Riêng Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy những chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận, quảng bá thương hiệu...


Tuy nhiên, vấn đề trước mắt cần giải quyết hiện nay là tình trạng sản xuất lúa gạo của nhà nông nước ta hiện vẫn còn manh mún. Chính việc sản xuất manh mún như hiện nay đã gây khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Ngoài ra, việc sản xuất manh mún còn gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp chế biến hoặc bao tiêu sản phẩm cũng khó có thể ký kết hợp đồng liên kết với hàng chục hộ nông dân có quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau... “Trong bối cảnh đó, mô hình sản xuất hiện đại như Cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng ở các tỉnh ĐBSCL với mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa thật sự có chất lượng đang là sự kỳ vọng của nhiều người trong cuộc”, ông Bửu nói thêm.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Tìm cách nâng cao giá trị hạt lúa - Bài 2: Mục tiêu là tăng “chất”
Tìm cách nâng cao giá trị hạt lúa - Bài 2: Mục tiêu là tăng “chất”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thị trường tiêu thụ lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL trong cả tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN