Tại buổi tiếp, hai Bộ trưởng rất vui mừng về tình hình hợp tác phát triển song phương và trao đổi cởi mở về các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Bộ trưởng Ann Linde cho biết, Việt Nam là đất nước mà Chính phủ và các doanh nghiệp Thụy Điển luôn dành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.
Với các thế mạnh của mình, Vương quốc Thụy Điển sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và trọng tâm là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Mặt khác, hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số; đồng thời ủng hộ Việt Nam tại Ủy ban châu Âu trong việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh hoan nghênh và cám ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp Vương quốc Thụy Điển đối với Việt Nam. Bộ Công Thương cam kết thực hiện tốt vai trò của mình trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp hai bên để cùng phát triển; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng định hướng phát triển trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như: năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, phân phối bán lẻ, đào tạo nghề …
Mặc dù quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Điển đã có từ lâu và không ngừng phát triển, nhưng kim ngạch giữa hai nước còn khiêm tốn và chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác song phương.
Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,5 tỷ USD, tăng 14,34% so với năm 2017; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1,16 tỷ USD, tăng 18,99%; kim ngạch nhập khẩu đạt 345 triệu USD, tăng 1,09%.
Theo Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ, trong quý I/2019, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển đạt 324 triệu USD và nhập khẩu đạt 72 triệu USD, tổng kim ngạch đạt gần 400 triệu USD, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với đó, Thụy Điển xếp thứ 33 trong số 131 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 365 triệu USD, chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với gần 347 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam.
Hiện tại, Thụy Điển có nhiều dự án đầu tư kinh doanh (kể cả sản xuất) cũng như các Chi nhánh hoạt động tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: phân phối bán lẻ, sản xuất chế tạo máy móc cơ khí, điện lực, công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng giao thông đô thị, điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến thực phẩm, giáo dục đào tạo....
Nhân dịp này, được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã đại diện Chính phủ Việt Nam tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển và chủ trì Phiên Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh, thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước.