Mặc dù chính quyền nhiều địa phương, nhất là các vùng nông thôn đã chấn chỉnh mạnh mẽ tình trạng người dân đánh bài bạc trong đám cưới, nhưng chỉ được một thời gian ngắn tạm “im ắng” rồi đâu lại vào đó và loại hình tệ nạn xã hội này đang bùng phát trở lại.
Tôi từng đi ăn cưới ở Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, và ở đâu tôi cũng thấy một “điểm chung” đó là, buổi tối hôm trước ngày đón dâu, gia chủ tổ chức tiệc nước trà, trầu cau thì các hội bạc được lập nên rất nhiều.
Có đám cưới, sau khi dân làng đến chơi chúc mừng và uống nước vừa về khỏi là các hội bạc được “họp” ngay tại bàn nước, ngay tại chiếu trải giữa nhà. Các hội bạc này gồm rất nhiều thành phần tham dự từ trẻ cho tới già, thậm chí có cả đàn bà. Bộ phận nào lo làm cỗ thì cứ tiến hành, còn những ai có máu mê cờ bạc thì “chinh chiến” bên các chiếu bạc. Hình thức chơi bạc trong các đám cưới ở nông thôn thường là mấy trò như: tổ tôm, xóc đĩa, tá lả, tôm-cua-cá…
Các hội bạc thường chơi thâu đêm đến sáng và mức độ sát phạt nhau thì to có, nhỏ cũng có, nghĩa là với các cụ già, đàn bà con gái thì họ chỉ chơi “vui” độ dăm, mười ngàn đồng/ván. Còn đối với đám thanh niên, hay mấy người tuổi trung niên là chủ gia đình thì họ chơi “máu” hơn hẳn khi mức độ tiền bạc là rất to tát.
Ở Đình Bảng (Bắc Ninh), tôi từng chứng kiến trong một đám cưới có tới 6 chiếu bạc được dọn ra trong đêm. Các hội bạc ở đây hầu như không chơi bé, hội tá lả với mức sát phạt là từ 100.000 đến 500.000 đồng/ván. Với kiểu chơi sát phạt “nặng đô” này thì sau vài tiếng người chơi bạc có thể thua - được dăm, bảy triệu là thường tình.
Không chỉ đánh bạc vào đêm dựng rạp, các hội bạc có khi còn diễn ra cả vào hôm tiệc chính, mà “địa điểm” để sát phạt nhau thường được chuyển qua một nhà hàng xóm cạnh đám cưới. Theo tôi được biết qua người dân ở những địa phương mà tôi đến, thì tâm lý đánh bạc trong nhà có đám cưới thường ít bị công an thôn, xã nhắc nhở hay bắt bớ gì(?!). Nếu chơi bạc ngày thường thì việc bị bắt là điều chắc chắn, nhưng khi chơi ở nhà có đám thì coi như được “nhân nhượng”(?!).
Vâng, chính việc “nhân nhượng” như vậy nên tình trạng người dân đánh bạc trong nhà có đám cưới rất công khai, lộ liễu và luật lệ mới bị… nhờn, không còn nghiêm!
Điều nguy hại và đáng báo động là không chỉ người lớn đánh bạc, mà trong đám cưới nhiều đám trẻ em đang ở tuổi cắp sách đến trường cũng xâu xúm vào bắt chước người lớn để sát phạt nhau. Chúng chỉ chơi ăn tiền khoảng 1.000 - 2.000 đồng/ván nhưng sẽ là rất nguy hiểm khi thói quen chơi cờ bạc dần dà sẽ “ngấm” vào máu, vào đầu óc non nớt chúng và ai sẽ đoán định được khi lớn lên chúng sẽ không là những con bạc khát nước…(?!)
Để tình trạng đánh bài sát phạt tiền bạc của nhau trong đám cưới nói riêng, và cả trong đám tang nói chung, ở các làng quê không còn tái diễn và tồn tại, chính quyền các cấp ở địa phương cần đôn đốc chỉ đạo chấn chỉnh làm thật nghiêm. Không có việc “nhân nhượng” dung tha cho trò cờ bạc khi nhà có đám, truy bắt, phạt nặng, thậm chí là truy tố nếu đánh bạc với mức sát phạt lớn để răn đe và làm gương ngăn chặn những người khác…
Nguyễn Long