Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc Vladimir Bartl đồng chủ trì khóa họp. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Đoàn Việt Nam do ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam cùng tham dự.
Đoàn Cộng hòa Séc do ông Vladimir Bartl, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng chủ tịch Uỷ ban liên Chính phủ phía Cộng hòa Séc làm Trưởng đoàn cùng 8 quan chức đại diện các Bộ, ngành Cộng hòa Séc, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam ngài Vítezslav Grepl, Tham tán kinh tế và cán bộ Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam. Cùng tham dự các hoạt động của đoàn còn có 15 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp Cộng hòa Séc.
Trong phát biểu khai mạc khóa họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thông báo với phía Cộng hòa Séc một số nét về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.
Phía Việt Nam đã đánh giá cao việc Cộng hòa Séc đưa Việt Nam vào danh sách 12 thị trường chủ chốt, ưu tiên về ngoại thương như công bố trong Chiến lược xuất khẩu của Cộng hoà Séc trong giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Cộng hòa Séc là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc năm 2017 tăng gần 3% so với năm 2016, đạt 257,6 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt 151,4 triệu USD tăng 3,5%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 106,2 triệu USD, tăng 1,5% so với năm 2016.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm 2018 giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đạt gần 50 triệu USD tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, xuất khẩu đạt 28,1 triệu USD (tăng 17,1%) và nhập khẩu đạt 21,6 triệu USD (tăng 55,7%).
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cộng hòa Séc gồm giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Cộng hòa Séc máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, hóa chất, dược phẩm, đồ thủy tinh pha lê…
Về đầu tư, đến hết tháng 2 năm 2018, Cộng hòa Séc có 36 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 90,07 triệu USD, xếp thứ 49 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Hầu hết các dự án của Cộng hòa Séc tập trung vào 2 hình thức là 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Thống kê cho thấy, hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài với 25 dự án, tổng vốn đầu tư 79,09 triệu USD; hình thức liên doanh có 10 dự án, tổng vốn đầu tư 9,39 triệu USD.
Đáng lưu ý đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 4 dự án đầu tư sang Cộng hòa Séc với tổng vốn đầu tư 4,44 triệu USD; trong đó, có các dự án tiêu biểu như dự án Công ty cổ phần Omega Star đầu tư 2,7 triệu USD kinh doanh bất động sản; dự án của Công ty cổ phần Contrexim đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng, tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD. Các dự án của Việt Nam đầu tư sang Cộng hòa Séc chủ yếu dưới hình thức liên doanh.
Thống nhất với những ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Vladimir Bartl, Chủ tịch phân ban phía Cộng hòa Séc, bày tỏ sự vui mừng về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển.
Thứ trưởng Vladimir Bartl hy vọng, khóa họp lần thứ VI Uỷ ban liên Chính phủ giữa hai nước lần này sẽ góp phần đánh dấu một giai đoạn hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn nhằm tăng cường trao đổi thương mại, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và các lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên quan tâm.
Thứ trưởng Vladimir Bartl nhấn mạnh, trong bối cảnh quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước như hiện nay, tiềm năng và cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong giai đoạn tới là rất to lớn.
Các doanh nghiệp Séc mong muốn được hợp tác cùng các đối tác Việt Nam tham gia vào các dự án cơ khí chế tạo, năng lượng, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, cung cấp thiết bị y tế và hàng không, xử lý môi trường tại Việt Nam…
Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, hai Bên nhất trí cho rằng Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ VI này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tìm ra phương hướng triển khai các thỏa thuận hợp tác trong tình hình mới, trao đổi các biện pháp nhằm tạo đột phá trong quan hệ hợp tác song phương trên những lĩnh vực mà hai bên quan tâm.