Quan hệ Việt Nam - Séc: Nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển

Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman tới Việt Nam từ ngày 6-8/6, phóng viên TTXVN tại Séc đã có cuộc trao đổi với ông Petr Hnizdo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa Séc và ông Jaroslav Hanák, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và Giao thông Vận tải Séc về quan hệ giữa Séc và Việt Nam.

Ông Hnizdo nhấn mạnh quan hệ song phương giữa Séc và Việt Nam liên tục phát triển trong những năm qua. Hàng năm hai nước trao đổi nhiều đoàn cấp cao lẫn nhau. Gần đây nhất là chuyến thăm CH Séc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 4/2017 và chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Séc Milos Zeman. Các chuyến thăm này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ chế đối thoại, tăng cường sự hiểu biết giữa hai nền văn hóa Séc và Việt Nam.            

Ông Jaroslav Hanák, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông vận tải Séc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Nguồn: Trần Quang Vinh)

Ông Hnizdo khẳng định rằng Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Séc đối với khu vực Đông Nam Á, nhất là trong việc triển khai chính sách ngoại giao kinh tế của Séc đối với khu vực này. Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu của Séc, nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, môi trường và y tế. Ngoài ra, cộng đồng người Việt có số lượng đông, đã khẳng định được vị thế tại CH Séc. 

Họ là cầu nối quan trọng giúp tăng cường quan hệ giao lưu văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.Riêng trong lĩnh vực văn hóa CH Séc và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Bộ Văn hóa Séc đã tiếp đón nhiều đoàn đại diện của Việt Nam sang thăm và trao đổi kinh nghiệm. Bộ Văn hóa Séc cũng tài trợ cho một số tổ chức của Séc có thể trở thành đối tác tích cực của phía Việt Nam. Về phần mình ông Hanák đánh giá cao quan hệ kinh tế giữa CH Séc và Việt Nam. Việt Nam là đối tác truyền thống của CH Séc. 

Ông Petr Hnizdo (người đứng giữa, đeo cà vạt đỏ) nhận kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Ảnh: Hồng Tâm - P/v TTXVN tại CH Séc

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Séc sang Việt Nam vào khoảng 100 triệu USD, trong khi đó nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam giá trị khoảng 800 triệu USD. Séc là nước có nền kinh tế hướng vào xuất khẩu nên việc tìm kiếm thị trường mới cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác hiện tại đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Hanák đánh giá, Séc và Việt Nam có nhiều tiềm năng có thể khai thác nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất ô tô, máy móc, phương tiện giao thông vận tải, máy bay, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và công nghệ thông tin. 

Tháp tùng Tổng thống Milos Zeman trong chuyến thăm Việt Nam lần này có khoảng 60 doanh nghiệp Séc do Hiệp hội Công nghiệp và Giao thông Vận tải Séc tổ chức. Đoàn gồm đại diện của các doanh nghiệp Séc trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, dược phẩm, quản lý nguồn nước, du lịch, dịch vụ... như ALTA Brno, INEKON Group, Metrostav... Trong đoàn có các doanh nghiệp đã và đang triển khai các dự án hợp tác ở Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh mới.

Ông Hanák nhấn mạnh việc duy trì đối thoại về kinh tế và chính trị giữa lãnh đạo 2 nước đóng vai trò quan trọng, tạo thuận lợi cho thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Séc và Việt Nam.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại CH Séc)
Vấn đề Biển Đông được chú trọng tại Hội thảo quốc tế tại Ba Lan
Vấn đề Biển Đông được chú trọng tại Hội thảo quốc tế tại Ba Lan

Tại thành phố Lodz, Ba Lan vừa diễn ra Hội thảo quốc tế “Gặp gỡ Đông Á” lần thứ 13 (LEAM 2017) với chủ đề “Những thay đổi quyền lực ở Đông Á: Triển vọng quan hệ Á - Âu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN