Tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm

Dịp cuối năm, sức mua đang gia tăng mạnh, nguồn thực phẩm từ các nơi theo đó cũng đổ về TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều..., đặt ra những vấn đề về việc đảm bảo các loại thực phẩm được đưa vào sử dụng.

Liên tiếp phát hiện thực phẩm "bẩn"

Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, tại các trạm kiểm dịch của thành phố liên tục phát hiện các loại thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, được đưa vào thành phố tiêu thụ. Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, kiểm tra trên quốc lộ 1A đã phát hiện và xử lý 7 trường hợp vi phạm hành chính trong vận chuyển động vật. 

Cuối năm là dịp để các loại thực phẩm kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào bữa ăn của người dân.

Nhiều sản phẩm động vật như thịt gà, thịt lợn sữa, thịt lợn pha lóc, phụ phẩm lợn... không có giấy chứng nhận kiểm dịch, phương tiện vận chuyển không đảm bảo vệ sinh thú y. Trạm Thú y Củ Chi cũng phát hiện 6 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, trong tuần đã xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền phạt 14 triệu đồng. Tương tự, trạm Thú y quận 12 cũng phát hiện và xử lý 10 trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch. Gần đây nhất, ngày 22/12, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện một cơ sở ở quận 12 chứa 2 tấn thịt lợn bẩn, đã bốc mùi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số thịt bẩn trên đưa từ miền Bắc vào TP Hồ Chí Minh. Chủ cơ sở cũng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tại các chợ truyền thống, như chợ Bình Tây, An Đông, Phạm Văn Hai... các mặt hàng như bánh kẹo, mứt, các loại hạt dưa, hạt bí phục vụ Tết... đã được tiểu thương ở đây bày bán khá nhiều.

Một tiểu thương ở chợ Bình Tây chia sẻ: Vào thời điểm này, các mặt hàng bánh mứt chưa bán được nhiều, chủ yếu đang trong thời gian dự trữ chuẩn bị hàng Tết. Mỗi năm người tiêu dùng đều khó tính hơn nên khi lấy hàng cũng phải kỹ hơn. Nếu cơ sở sản xuất nào không có thông tin đầy đủ thì mình phải dặn họ chú ý đề đầy đủ nhãn mác để tránh phiền phức khi bị kiểm tra và tạo niềm tin cho người mua. “Tuy nhiên, qua ghi nhận thì dù những sản phẩm này được gắn nhãn mác nhưng chưa chắc đã đảm bảo an toàn và sản phẩm đó cũng chưa chắc đúng với thông tin ghi trên nhãn mác. Theo cách làm của nhiều tiểu thương, vì lợi nhuận, những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ sẽ được trộn lẫn với những sản phẩm không có nhãn mác giá thành rẻ hơn và chất lượng thì khó mà đảm bảo.

Đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm từ gốc

Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo lớn của người dân nhất là vào cuối năm. Hiện nay, các loại phụ gia kém chất lượng, thịt có chất cấm, chất tạo nạc; rau xanh còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao vẫn được bán tràn lan.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trong những năm qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở Công Thương, Nông nghiệp thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm, chợ an toàn thực phẩm và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, để kiểm soát chặt, thì cần phải có những biện pháp chế tài và cứng rắn hơn trong xử lý. Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra và đã công bố danh sách những cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên trang web của Chi cục.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, Sở không chỉ siết chặt khâu kiểm tra, kiểm tra nhanh hàng hóa tại nơi phân phối mà còn kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm tại đầu nguồn sản xuất. Hiện thành phố còn gần 200 siêu thị, 37 trung tâm thương mại, 705 cửa hàng tiện ích cùng nhiều doanh nghiệp cung cấp thực phẩm an toàn. Trong dịp Tết này TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn thực phẩm từ các tỉnh thành khác cung cấp cho thành phố phải đăng ký nơi sản xuất rõ ràng để dễ dàng truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân, thành phố sẽ thành lập các đội thanh kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận huyện, tăng cường liên tục kiểm tra tại các khu vực trọng điểm, những điểm tập kết hàng hóa nhằm loại bỏ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với các hoạt động tăng cường kiểm tra, Sở Công Thương, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận và công bố các điểm bán hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết cho người dân.
Đan Phương
Khó đạt mục tiêu An toàn thực phẩm năm 2015
Khó đạt mục tiêu An toàn thực phẩm năm 2015

Mục tiêu của Chương trình quốc gia về an toàn thực phẩm năm 2015 là giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2014. Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2015, số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước đã tăng hơn 14% so với cả năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN