Khi đối đầu Nga - Mỹ gia tăng, các chiến dịch truyền thông của phương Tây nhằm bài xích Tổng thống Vladimir Putin cũng được đẩy mạnh. CIA là “bậc thầy” trong việc phát động các chiến dịch bài xích, nói xấu, hạ bệ lãnh đạo, lãnh tụ nắm quyền trong các thể chế mà Nhà Trắng không vừa lòng. Lá bài này đã được sử dụng và góp phần vào “thành công” lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử Iran Mossaddegh (1953), phế truất Thủ tướng Congo (1960), loại bỏ Tổng thống Guatemala, Arbenz (1954); gần đây nhất là việc loại Tổng thống Honduras Manuel Zelaya (2009); Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi (2013), Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (2014). Mỹ cũng đã rất nỗ lực nhưng bất thành trong việc sử dụng chiêu bài này nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (2002), xa hơn nữa là Lãnh tụ Cuba Fidel Castrol, Tổng thống Indonesia Sukarno… Logic mà CIA chỉ ra khá đơn giản: Hạ bệ uy tín lãnh đạo của một nước đồng nghĩa với việc triệt tiêu quyền lực của nhân vật này, kích động làn sóng phản đối trong nước, đưa đến sự thay đổi về thể chế.
Hình Tổng thống Putin trên trang bìa tạp chí Newsweek của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trong các chiến dịch bôi nhọ này, truyền thông là công cụ chủ đạo. Lý do có thể là vì, CIA đã “nắm đầu” tất cả các tên tuổi lớn trong ngành truyền thông - từ các phóng viên, biên tập viên uy tín cho đến đội ngũ giữ quyền điều hành các tòa báo, tổ hợp truyền thông. Ngay từ những năm 1950, cơ quan tình báo này đã triển khai chiến dịch mang mật danh “Chim nhại” (Mockingbird Operation) để kiểm soát báo chí Mỹ nói chung và truyền thông nói riêng. Chiến dịch này buộc phải ngưng lại vào năm 1975 sau khi bị đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, các hoạt động can dự bí mật theo hướng này không vì thế mà chấm dứt. Udo Ulfkotte, một cựu biên tập viên kì cựu của tờ tạp chí nổi tiếng ở Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, gần đây đã khiến dư luận “sốc” khi nói rằng những người như ông “được dạy cách nói dối, cách phản bội và không nói sự thật ra trước công chúng”.
Hiện nay, mục tiêu mà Washington hướng đến là Tổng thống Vladimir Putin, người hai năm liên tiếp được chính tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là nhân vật quyền lực nhất thế giới. Điều nực cười là ở chỗ, nó diễn ra vào đúng thời điểm mà uy tín của ông chủ Điện Kremlin hiện vượt xa bất kì một tổng thống Mỹ nào trong lịch sử. Để triệt hạ Tổng thống Nga, truyền thông phương Tây không trừ một thủ đoạn nào: Từ việc đặc tả Putin như là một nhà độc tài mưu mô quyết tâm xây dựng lại đế chế Nga; cáo buộc nhà lãnh đạo Nga ra lệnh giết hại một số nhà báo, ám sát một nhân viên thuộc KGB; đăng tải thông tin nhảm về đời tư của Tổng thống Nga, nhất là chuyện tình cảm; tô vẽ ông chủ Điện Kremlin là người tham nhũng, hưởng thụ cuộc sống xa hoa; thường xuyên trích dẫn sai các phát biểu của Tổng thống Putin, cắt cúp bối cảnh để tạo tiếng xấu đối với ông; đến việc lan truyền các tin đồn nói rằng nhà lãnh đạo nước Nga bị mắc bệnh ung thư…
Hành động công kích nhằm vào cá nhân nhằm vào Tổng thống Putin thực chất là sự tiếp nối của chiến tranh thông tin chống lại Nga. Nguyên nhân cũng đã rõ ràng: Nhà lãnh đạo Nga là người mà Washington e ngại nhiều nhất, vì họ hiểu rằng một khi ông còn nắm quyền, thì tham vọng bá chủ thế giới của Mỹ còn gặp phải trở ngại lớn.
Tự do báo chí mà phương Tây thường rao giảng phải được hiểu như thế nào, khi mà truyền thông Mỹ chưa hề đăng tải trọn vẹn một bài phát biểu nào của Tổng thống Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine, có chăng chỉ là vài lời cắt cúp tách khỏi ngữ cảnh để tiện cho việc quy chụp chủ quan. Từng làm việc cho nhiều tờ báo, tạp chí của lớn của Mỹ, Đức, Pháp, cựu Thứ trưởng tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan, Paul Craig Roberts, nói rằng ông đã chứng kiến và trải nghiệm sự can thiệp, cấm đoán mỗi khi các tờ báo định đăng tải điều gì đó mà Washington cho là không thích hợp. Theo ông, con đường “thành công” của báo chí phương Tây là nói dối để trở thành loa phóng thanh cho các thế lực tại Washington, chủ yếu là các tổ hợp tư nhân, kết hợp với các tổ chức tình báo - an ninh bí mật, có sự bảo trợ của những nhân vật theo đường lối tân bảo thủ nuôi tham vọng bá quyền Mỹ.
Hoài Thanh