Nhiều trẻ đổ bệnh do nắng nóng

Thời tiết nắng nóng khiến cho số lượng trẻ em mắc các bệnh như viêm phổi, viêm, phế quản, tiêu chảy, sốt xuất huyết và tay chân miệng (TCM)… gia tăng. Nhiều bệnh nhi không được điều trị kịp thời nên bệnh rất dễ chuyển từ nhẹ sang nặng, thậm chí nếu không được cứu chữa đúng cách thì có thể có biến chứng nguy hiểm.


Cảnh giác với các bệnh mùa nóng


Tuy số lượng trẻ đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ không tăng hơn so với tuần trước, vẫn ở mức dưới 3.000 bệnh nhi/ngày, nhưng trong những ngày nắng nóng này, tỷ lệ bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, sốt, tiêu chảy lại có xu hướng tăng.


Gia tăng bệnh đường hô hấp và tiêu chảy


Khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Nhi TƯ trong những ngày này thêm chật chội, oi bức hơn. Phần lớn bậc cha mẹ đều cho biết con, cháu mình bị sốt, viêm họng, tiêu chảy hoặc cùng một lúc bị sốt và tiêu chảy… Theo các bác sỹ (BS) tại BV Nhi TƯ, thời tiết nắng nóng, các bậc cha mẹ có tâm lý ngại đưa con đi xa nên thường chọn cách đưa trẻ tới khám tại y tế tư nhân hoặc tự điều trị tại nhà nên số lượng bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi TƯ không tăng hơn trước. Điều này cũng có nghĩa, những trẻ được đưa tới viện chủ yếu là những trẻ bệnh nặng, điều trị lâu ngày nhưng không khỏi.


Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế) trong những ngày nắng nóng luôn trong tình trạng quá tải (ảnh chụp ngày 16/5/2013).
Ảnh: Dương Ngọc – TTXvN


Chị Lê Thị Thương (tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Sáng 15/5, bé nhà tôi bỗng bị sốt, viêm họng và nổi mẩn khắp cả người. Tôi đã đưa cháu tới khám ở một cơ sở y tế tư nhân và mua thuốc theo đơn của bác sĩ kê. Tuy nhiên, suốt đêm đó cháu bị sốt cao 39- 400C. Vì vậy, ngày 16/5 tôi và ông xã vội vã đưa cháu đi khám tại BV Nhi TƯ”.


Khác với sự khẩn trương của chị Thương, chị Nguyễn Thị Lan, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh lại khá chậm trễ trong việc đưa con đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Chị Lan cho hay, bé Gia Bảo (5 tháng tuổi) bị viêm mũi họng, rồi sốt, tiêu chảy khoảng một tuần nay nên chị đã tự điều trị cho con bằng men tiêu hóa, bằng thuốc lá… Nhưng tới nay, cháu bé vẫn bị tiêu chảy 5 lần/ngày, cháu mệt mỏi, bú mẹ ngày một ít hơn.


Theo BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ: “Không chỉ riêng gì trường hợp bé Gia Bảo, tại khoa Khám bệnh những ngày nắng nóng này có khá nhiều trẻ đến khám do tiêu chảy, ngày đi 5-6 lần, thậm chí có trường hợp 10 lần/ngày. Trong đó, không ít trẻ phải nhập viện trong tình trạng nặng do cha mẹ tự ý điều trị không đúng cách”.


Cũng theo BS Nhuận, phần lớn trẻ nhập viện do mắc bệnh tiêu hóa (tiêu chảy) và bệnh hô hấp (triệu chứng ho, khó thở, sốt cao…, trẻ thường bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi).


Bệnh tay chân miệng cũng tăng mạnh


Tại TP Hồ Chí Minh, số trẻ em mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt xuất huyết và TCM cũng gia tăng. Trong đó, bệnh TCM đang tăng mạnh nhất, bởi theo chu kỳ, thời điểm từ cuối tháng 4 - 6 là cao điểm về bệnh TCM.


Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tháng 4/2013, số ca mắc bệnh TCM tăng cao với 796 trường hợp, tăng gần 127% so với cùng kì năm 2012 và có chiều hướng tiếp tục gia tăng trong tháng 5 và 6. Ngoài ra, trong tháng 4 vừa qua, cũng đã ghi nhận một ổ bệnh TCM đầu tiên ở Trường mầm non Hoa Lan (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) với 10 học sinh bị nhiễm và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới; trong đó có 1 ca độ 3 và hai ca độ 2a.

Theo BS Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi TƯ: “Trong những ngày nắng nóng như hiện nay, các bậc cha mẹ cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cho trẻ. Không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, khi trẻ ra khỏi cửa sẽ dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, dễ sinh bệnh. Do đó, nhiệt độ trong phòng nên điều chỉnh ở 27 - 280C ”.


Ghi nhận của phóng viên trong hai ngày 15 - 16/5 tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lượng bệnh nhi đến khám tại khoa khám bệnh của các bệnh viện này khá đông. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.750 bệnh nhi từ các quận và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu… đến khám và điều trị. Trong đó, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 - 25 trẻ phải nhập viện điều trị bệnh TCM. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong tháng 4 có hơn 6.000 lượt đến khám do nhiễm TCM và từ đầu tháng 5 đến nay, số bệnh nhân đến khám TCM tiếp tục tăng. Hiện trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 70 trẻ mắc bệnh TCM phải điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với những tuần cuối tháng 4.


Chị Đào Thị Hạnh (quê Long Khánh, Đồng Nai) đưa con trai 3 tuổi lên khám bệnh TCM tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Thấy cháu có biểu hiện biếng ăn, sốt nhẹ nhưng cứ nghĩ do nắng nóng cháu bị cảm sốt bình thường nên không cho cháu đi khám ngay. Đến khi thấy cháu sốt cao, bàn tay, bàn chân có xuất hiện bọng nước nên gia đình vội vàng đưa cháu lên đây khám thì bác sỹ kêu cháu phải nhập viện điều trị vì bệnh đã bắt đầu nặng”.


Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đến thời điểm này, bệnh TCM vẫn chưa có vắcxin phòng ngừa, trẻ mắc bệnh TCM chuyển từ độ nhẹ sang nặng diễn ra rất nhanh do đó bệnh nhi không được nhập viện kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện: sốt, đau họng, chảy nước bọt liên tục; biếng ăn hoặc bỏ ăn; khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường; nổi bóng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, loét đỏ ở miệng,... các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.



Phương Liên - Đan Phương - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN