Nhiều bất thường
Sau một thời gian tạm lắng, dịch sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục tăng đột biến. Tuần vừa qua, có 970 trường hợp mắc bệnh nhập viện, tương đương với số ca trung bình của 4 tuần trước (972 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có gần 18.743 ca sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát vào thời điểm cuối năm. |
Còn tại Hà Nội, thời tiết lạnh, dịch sốt xuất huyết đang giảm dần, nhưng nhiều dịch bệnh lại có dấu hiệu bất thường. Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong tuần qua đã có 2 trường hợp bị cúm phải nhập viện điều trị, tuy chỉ là những chủng cúm thông thường, chưa có trường hợp mắc các chủng cúm nguy hiểm như cúm A (H5N1), A (H5N6)... nhưng cũng có những biến chứng nặng.
Cùng thời điểm này, nhiều dịch bệnh cũng đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, mặc dù Bộ Y tế đang tiến hành giám sát chặt chẽ. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính đến tháng 11/2015, cả nước ghi nhận hơn 46.600 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, trong đó 6 trường hợp tử vong. Đặc biệt, đã có 87 người mắc bệnh sởi, chưa có ca nào tử vong. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, có gần 8.500 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng phải nhập viện, tuần vừa qua có 158 ca, chưa có trường hợp tử vong. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng đang cảnh báo nguy cơ xuất hiện ổ dịch Rubella tại một khu công nghiệp ở Bình Dương.
Đặc biệt, tuy từ đầu năm đến nay, cả nước chưa ghi nhận trường hợp nào mắc các bệnh cúm gia cầm lây sang người, nhưng đã xuất hiện các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm ở một số tỉnh như: Ổ dịch cúm A (H5N1) tại Cà Mau, Hà Tĩnh, Nghệ An; ổ dịch cúm H5N6 tại Sơn La, Quảng Ngãi... Nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt, dịch có thể lan rộng và khả năng lây sang người là rất cao.
Tăng cường giám sát, phòng chống
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, đặc biệt, là tuyên truyền phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người.
Ths. bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Mùa đông là thời điểm rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là các chủng cúm nguy hiểm. Bởi vì khi trời lạnh, các virút, vi khuẩn sẽ lâu bị tiêu diệt hơn trong không khí, nhất là trong các giọt bắn khi hắt hơi của những người mắc bệnh, vì thế khả năng lây nhiễm các loại bệnh về đường hô hấp do virút cao hơn các mùa khác. |
Cũng theo ông Bắc, để kiểm soát chặt dịch cúm gia cầm và tránh lây sang người, Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các nước lân cận, và những địa phương đang có dịch trên đàn gia cầm, phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, khống chế không để dịch lan rộng. Đồng thời ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho cộng đồng để người dân không hoang mang và phối hợp để chủ động, phòng chống dịch. Chuẩn bị và thực hiện tốt công tác thu dung điều trị, cách ly bệnh nhân, phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế...
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo: Người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Để phòng các dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa, theo TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương: Cần phải thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh. Khi thời tiết lạnh phải giữ ấm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Khi thấy có dấu hiệu sốt cao liên tục, ho... giống các dấu hiệu của bệnh sởi, ho gà, sốt xuất huyết... cần phải đến ngay cơ sở y tế để khám và phát hiện bệnh.