Nỗ lực kết thúc dịch HIV/AIDS

TP Hồ Chí Minh là một trong 5 địa phương trên cả nước được chọn để thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90, nhằm kết thúc dịch HIV/AIDS ở VIệt Nam vào năm 2030. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu đề ra, Thành phố đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức.

Gia tăng lây truyền qua đường tình dục

Theo các chuyên gia y tế, TP Hồ Chí Minh vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch HIV, khi mà ngân sách Nhà nước không đủ bù đắp, xu hướng lây truyền nhiễm HIV cũng thay đổi và phức tạp hơn.

Đa dạng hóa các nguồn kinh phí thông qua việc xã hội hóa các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS góp phần hoàn thành được mục tiêu đề ra.


Hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030, Việt Nam đã cam kết hưởng ứng mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ, 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virút ở mức thấp và ổn định, dưới 1.000 bản sao/ml) và TP Hồ Chí Minh là một trong 5 địa phương trên cả nước được chọn để thực hiện mục tiêu này.

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chánh văn phòng Ủy ban phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh, cho biết, xu hướng lây truyền HIV qua đường tình dục đang gia tăng, cho thấy xu hướng lây lan của HIV đã đi vào cộng đồng, không còn tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2006 - 2010, lây truyền HIV qua đường tình dục chỉ chiếm 24%, thì đến giai đoạn 2011 - 2015 đã lên đến 57,5%, trong khi lây qua đường máu từ 59% giảm xuống còn 41,3%. “Vấn nạn lớn hiện nay là các đối tượng sử dụng ma túy truyền thống đã chuyển sang dùng ma túy tổng hợp. Những nhóm đối tượng này thường có hành vi quan hệ tập thể và việc sử dụng bao cao su trong tình trạng "phê" thuốc là không thể. Đây sẽ là một thách thức rất lớn trong việc ngăn ngừa dịch HIV”, bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dịch HIV trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao có xu hướng tăng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Theo thống kê, nhóm nghiện chích ma túy chiếm tỷ lệ 16,7%, nhóm phụ nữ hành nghề mại dâm chiếm 3,7%, trong khi nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 12,7%.


Đa dạng hóa các nguồn lực


Để thực hiện được mục tiêu 90 - 90 - 90, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn, bởi kinh phí hoạt động đang bị cắt giảm, nguồn nhân lực thiếu hụt, hệ thống chăm sóc điều trị tại các cơ sở gần như quá tải...

"Hiện Thành phố có 27.500 bệnh nhân đang điều trị ARV, nếu theo đúng mục tiêu đề ra thì tới năm 2017 tổng số ca được điều trị ARV sẽ lên tới 43.931 ca, điều này sẽ dẫn đến các cơ sở điều trị rơi vào tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, bệnh nhân điều trị ARV và Methadone phải đóng góp một phần chi phí điều trị, trong khi phần lớn những bệnh nhân này thuộc diện khó khăn, hạn chế khả năng chi trả cho các dịch vụ, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị và tuân thủ điều trị liên tục, khó khống chế tình trạng kháng thuốc", bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề khó khăn trên, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, cần phải đa dạng hóa các nguồn kinh phí thông qua việc xã hội hóa các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, huy động nguồn lực từ bảo hiểm y tế chi trả cho một số dịch vụ như điều trị nhiễm trùng cơ hội, điều trị ARV... đồng thời tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh lồng ghép hoạt động dự phòng và điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế hiện hành; xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng chi phí thấp, hiệu quả cao.

Theo bác sĩ Tiêu Thu Vân, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường triển khai các hình thức tiếp cận mới như mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV sớm hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn, đa dạng hơn, đặc biệt ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới nhằm phát hiện sớm người nhiễm HIV; chuyển gửi điều trị ARV và mở rộng điều trị ARV. Song song với đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố còn tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS như mở rộng điều trị ARV tại các bệnh viện đa khoa, các phòng khám nội, phòng khám đa khoa tư nhân, trong trại giam, trại tạm giam... như các bệnh lý mạn tính khác. Đồng thời, duy trì phòng khám lưu động nhằm cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS cho những địa bàn chưa có phòng khám ngoại trú hoặc cách xa các phòng khám ngoại trú hiện có.

5 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS như hoạt động can thiệp giảm tác hại cho các nhóm có nguy cơ cao; đồng thời thông qua mạng lưới đồng đẳng viên đã có hơn 6,5 triệu bao cao su và gần 5 triệu bơm kim tiêm được phát ra. Bên cạnh đó, hằng năm có 100.000 thai phụ tham gia tư vấn xét nghiệm HIV với khoảng 600 bà mẹ phát hiện nhiễm HIV từ chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con... Với những nỗ lực trên, theo Ủy ban phòng chống AIDS TP HCM, số người nhiễm mới HIV của Thành phố hàng năm tiếp tục giảm. Theo đó, trong năm 2014, số người nhiễm mới được phát hiện là 1.722 trường hợp, giảm 1.950 trường hợp so với năm 2013. Ước tính trong giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã ngăn ngừa được hơn 16.000 trường hợp nhiễm mới HIV ở người trưởng thành.



Đan Phương
Vướng triển  khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS
Vướng triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS

Bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là nguồn đảm bảo để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận được với các dịch vụ và thuốc ARV một cách bền vững, nhất khi các nguồn lực tài trợ điều trị HIV/AIDS bị cắt giảm. Thế nhưng, khi triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS thì các đơn vị thực hiện "đụng đâu, vướng đó".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN