Thuốc ARV điều trị HIV từ quỹ bảo hiểm y tế

Theo Luật Bảo hiểm y tế, thuốc ARV và một số dịch vụ khám, chữa bệnh khác đối với bệnh nhân HIV/AIDS được đưa vào diện chi trả của bảo hiểm y tế. Những tác động của việc chi trả cho người nhiễm HIV đến sự bảo toàn của Quỹ bảo hiểm y tế và các vấn đề liên quan đã được ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.


Thưa ông, từ năm 2017, các nguồn viện trợ cho thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ không còn và Quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Vậy việc chi trả cho các đối tượng này sẽ tác động như thế nào đến sự bảo toàn của quỹ?

Việc nguồn viện trợ của các tổ chức xã hội cho phòng chống HIV/AIDS sẽ giảm đi, các cơ quan của Chính phủ cũng như các đơn vị đã tính toán trước và chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị. Một là làm sao phải tăng nhanh độ bao phủ có bảo hiểm y tế của người bị nhiễm HIV. Hiện nay, theo thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mới có khoảng 30% người bị nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế trong khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chung của các nước đã hơn 70%. Thứ hai, chúng tôi cũng đã cùng ngành y tế xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống HIV/AIDS, sẽ thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho những người này, trong đó có cả kế hoạch về tài chính. Chúng tôi đã tính toán tương đối đầy đủ, từ nay đến năm 2018 chưa có gì đáng lo ngại. Viện trợ giảm đến đâu, ngân sách giảm đến đâu, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ bù đến đó. Việc thứ ba mà chúng tôi đã chuẩn bị là cung ứng thuốc. ARV là thuốc rất đặc biệt, nó điều trị ung thư và một số bệnh suy giảm miễn dịch khác, giá rất đắt, các cơ quan, các doanh nghiệp dược cung ứng thuốc này cũng không nhiều. 

Trước đây có tiền viện trợ nên không phải lo nhiều. Bây giờ là tiền của dân rồi, phải tổ chức làm sao chất lượng rất tốt nhưng giá cả phải phù hợp. Tổ chức cung ứng rồi cũng phải tính toán việc tổ chức cấp phát sao cho đảm bảo quá trình điều trị liên tục cho người bệnh nhưng cũng phải phù hợp với các quy định về thanh toán bảo hiểm y tế. Một việc nữa mà chúng tôi đã cùng với Bộ Y tế bàn bạc, thống nhất là báo cáo với Chính phủ xin cơ chế tham gia bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV nhiều khi không ở nhà mà di chuyển đi các địa phương khác, vì vậy việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ rất khó, phải có cơ chế đặc thù để thuận tiện cho họ. Cùng với đó, chúng tôi cũng xin với Chính phủ cơ chế cung ứng thuốc. Nếu để cho tất cả hơn 2.000 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được mua ARV thì rất nguy hiểm, do đó phải xin cơ chế cung ứng đấu thầu tập trung quốc gia. Một vấn đề nữa cũng cần xin Chính phủ cho phép tổ chức thanh toán tập trung thuốc ARV - đây là việc chưa có tiền lệ. Chúng tôi cũng tính tới đề xuất Chính phủ cho cơ chế để hỗ trợ phần kinh phí cùng chi trả của người bệnh HIV vì họ đa số là khó khăn, nhiều người phải vận động mới chữa bệnh vì không có tiền cùng chi trả. Chúng tôi chỉ xin cơ chế, không xin tiền, làm như vậy là bảo vệ cho họ và cũng là bảo vệ cho xã hội. Những đề xuất này nếu thực hiện được trong những tháng cuối năm 2015 thì từ năm 2016, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chính thức tham gia để thanh toán thuốc ARV.


Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có định hướng như thế nào để kiểm soát thuốc và giá thuốc?
Kiểm soát thuốc là một nội dung trọng tâm mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế bàn bạc rất sâu. Chúng tôi lo lắm, vì ARV là thuốc rất đắt. Nếu không đảm bảo đầy đủ mà người bệnh bỏ điều trị, ngắt điều trị là rất không tốt, nhưng nếu không quản lý tốt, để thuốc trôi nổi lại rất có hại. Và đặc biệt là giá mua. Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam lần đầu tiên tham gia vào việc kiểm soát thuốc ARV. Chúng tôi đã thống nhất sẽ bàn và báo cáo Chính phủ xin cơ chế đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu rộng rãi quốc tế để chọn được nhà thầu cung ứng tốt và giá cả hợp lý. Cơ quan Bảo hiểm xã hội chắc chắn sẽ tham gia rất sâu, rất đầy đủ trong đấu thầu thuốc ARV. Nếu không phải từng cơ sở khám chữa bệnh thanh toán với nhà cung ứng mà thanh toán tập trung đầu mối, có thể từ Bộ Y tế hoặc từ phía cơ quan Bảo hiểm căn cứ vào lượng thuốc cấp ra, nhu cầu của từng nơi báo cáo, số lượng bệnh nhân và phác đồ điều trị do Cục phòng, chống HIV/AIDS quản lý cộng với hóa đơn xác nhận “tay ba” giữa doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội của đơn vị đó mới được thanh toán, thì chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ được việc sử dụng và có đầy đủ thuốc cho người bệnh.

Như vậy thì có cần có thẻ riêng cho các đối tượng này và làm thế nào để tránh trùng lắp thẻ, thưa ông?

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh cho những người bị nhiễm HIV, tôi nghĩ là một việc rất nhân văn. Người ta cầm một cái thẻ giống như thẻ của tất cả mọi người, những người xung quanh không ai biết họ bị nhiễm HIV, thẻ bảo hiểm y tế không thể hiện gì và họ được quyền bình đẳng như tất cả người bệnh khác. Song, hồ sơ quản lý của bệnh viện phải rất chặt chẽ và có sự kết nối thông tin giữa tất cả các cơ sở khám chữa bệnh với bảo hiểm y tế, việc quản lý thực hiện trên hệ thống phần mềm, nhận diện sử dụng trên phần mềm ẩn chứ không thể hiện trên thẻ. Vì vậy, tôi tin chắc rằng khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, những người nhiễm HIV sẽ rất thoải mái và xóa được mặc cảm. Các phòng khám cho người nhiễm HIV cũng giống như tất cả các phòng khám khác, tất nhiên chế độ vô trùng để tránh lây nhiễm phải rất ngặt nghèo.

Về việc tránh trùng lắp thẻ thì hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội đang làm với tất cả các đối tượng, ví dụ như một người vừa là trẻ dưới 6 tuổi, lại vừa là thân nhân của một người ở trong lực lượng vũ trang, người dân tộc trong vùng khó khăn... Một người có thể thuộc nhiều đối tượng và những người nhiễm H cũng có thể như vậy. Chúng tôi đang tiến tới xây dựng bộ mã định danh và khi có bộ mã định danh sẽ xóa được chuyện trùng thẻ. Một người dù đi đâu, việc họ bị sao hay nằm ở đối tượng nào, nhân thân của người ấy vẫn chỉ là một.

Làm thế nào để tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và ông có kỳ vọng sẽ phủ bảo hiểm y tế tới hết đối tượng này?

Chúng tôi bàn rất kỹ việc này. Hiện nay, quy định của Luật Bảo hiểm y tế là phải tham gia theo hộ gia đình, trong khi đó, những người nhiễm HIV nhiều khi không sống ở nhà, họ đi làm ăn và sống ở địa phương khác. Cũng do mặc cảm, sự hòa nhập chưa tốt, họ đi chỗ khác giấu bệnh. Hiện nay, Cục phòng, chống HIV/AIDS và các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS ở các địa phương nắm rất chắc danh sách này nhưng vướng là không thể buộc họ quay về địa phương để tham gia bảo hiểm y tế. Chúng tôi cũng bàn phương án xin Chính phủ cho phép họ được mua tập trung tại nơi tạm trú, cư trú, không nhất thiết phải theo nơi đăng ký hộ khẩu, không nhất thiết phải theo hộ gia đình. Tôi hy vọng nếu có được cơ chế chúng tôi đề xuất, tất cả những người nhiễm HIV sẽ tham gia bảo hiểm y tế.

Theo ông cơ chế cụ thể là thế nào?

Ai chưa tham gia bảo hiểm y tế thì cơ quan phòng chống HIV/AIDS ở từng địa phương đứng ra lập danh sách. Cục phòng, chống HIV/AIDS cũng đang tổng điều tra, rà soát lại, nếu tỉnh nào thiếu kinh phí, Cục sẽ có trách nhiệm điều phối các nguồn kinh phí từ các địa phương khác, từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để hỗ trợ cho tỉnh đó mua thuốc ARV. Làm được những việc đó, tất cả người nhiễm H sẽ có cơ hội tham gia bảo hiểm y tế.

Trân trọng cảm ơn ông!
Chu Thanh Vân (thực hiện)
Công khai, minh bạch thu chi bảo hiểm y tế
Công khai, minh bạch thu chi bảo hiểm y tế

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh đánh giá hiện mức đóng bảo hiểm của Việt Nam mới bằng 1/2, 1/3 các nước xung quanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN