Công khai, minh bạch thu chi bảo hiểm y tế

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh đánh giá hiện mức đóng bảo hiểm của Việt Nam mới bằng 1/2, 1/3 các nước xung quanh.


Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng học sinh, sinh viên nâng từ 3% mức lương cơ sở nâng lên 4,5% và thời hạn sử dụng ghi trên thẻ thực hiện theo năm tài chính.


Chiều 16/9, tại Hội nghị cung cấp thông tin về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Điểm mới trong Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) liên quan đến đối tượng học sinh, sinh viên đó là mức đóng bảo hiểm y tế từ 3% mức lương cơ sở nâng lên 4,5% và thời hạn sử dụng ghi trên thẻ thực hiện theo năm tài chính.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội các địa phương, hiện đã có 25.425 trường ký hợp đồng đại lý thu bảo hiểm y tế. Trong số này, có 5 tỉnh, thành phố tổ chức thu theo năm học như những năm trước, 58 tỉnh thành phố thực hiện thu theo năm tài chính, trong đó có 8 tỉnh, thành phố thu một lần 15 tháng, 50 tỉnh, thành phố thực hiện thu phân kỳ.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, do tuyên truyền hướng dẫn chưa sâu rộng, giải thích cho phụ huynh chưa rõ nên việc triển khai thu bảo hiểm y tế năm học 2015 – 2016 đã có nhiều xáo trộn, gây băn khoăn trong dư luận. Nhìn vào tỷ lệ phần trăm, mức thu tăng lên 50% là cao nhưng con số tuyệt đối là không cao, chỉ tăng hơn 100.000 đồng so với quy định trước đây.

Những đối tượng phải đóng bảo hiểm y tế là con em gia đình bình thường, không phải hộ nghèo, hộ chính sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, chỉ phải đóng 70%, tương đương với hơn 400.000 đồng/năm. Các hộ chính sách đã được nhà nước hỗ trợ từ 70% - 100% mức đóng. Nếu so với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, số tiền này không phải là cao.

Dẫn chứng, Thái Lan quy định mức đóng bảo hiểm y tế là từ 6% - 8% mức lương cơ sở, Singapore là 11% mức thu nhập thực tế, bà Minh cho rằng, hiện mức đóng của Việt Nam mới bằng 1/2, 1/3 các nước xung quanh.

Khẳng định thu bảo hiểm y tế là trách nhiệm của ngành Giáo dục, Luật bảo hiểm y tế đã quy định trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp trong việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, quan điểm ngành Giáo dục làm hộ ngành Bảo hiểm xã hội như báo chí đưa tin là không đúng. Còn theo Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Phạm Lương Sơn, không phải giáo viên chủ nhiệm trở thành đại lý bảo hiểm y tế.

Tiếp thu ý kiến của dư luận, để tránh dồn gánh nặng thu vào đầu năm học, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện thu và phát hành thẻ bảo hiểm y tế thành nhiều đợt. Do nghĩ đến việc tiện lợi nên một số địa phương đã thu gộp cả 15 tháng, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Thông tin về con số thu chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu năm học 2014 – 2015 là 582 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2015 là 285 tỷ đồng, ông Phạm Lương Sơn cho biết, công khai, minh bạch thu chi là trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số thu, chi phải báo cáo công khai trong Hội đồng quản lý quỹ.

Một trong những nguyên lý của bảo hiểm nói chung, bảo hiểm y tế nói riêng là tính cộng đồng, phần kết dư của bảo hiểm y tế học sinh sinh viên trực tiếp hoặc gián tiếp trở lại phục vụ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng này. Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế.

Bà Nguyễn Thị Minh cho biết thêm: Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn, tiền thu bảo hiểm y tế theo luật chỉ để phục vụ cho việc chi phí trực tiếp khám chữa bệnh, một phần nhỏ để cho tổ chức thu. Mức chi cho tổ chức thu 4% là mức tối đa, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang kiến nghị giảm mức này xuống vì đây là nhiệm vụ chính trị, không phải là thu hộ, cần tính sao cho hợp lý.

Toàn bộ quỹ để phục vụ khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên không phải chi trực tiếp cho học sinh, sinh viên mà là mang tính chia sẻ, thu của số nhiều chi cho những người bị bệnh, thu của người không bị bệnh đóng cho người bị bệnh.

Bất cứ học sinh, sinh viên nào bị bệnh sẽ được hưởng dịch vụ cao do mức đóng bảo hiểm y tế cao. Bảo hiểm xã hội Việt Nam giám sát đồng tiền bảo hiểm y tế được chi đủ, chi đúng mục đích, đúng chi phí. Quỹ bảo hiểm y tế hoàn toàn minh bạch, có kết dư cũng để tập trung cho người bệnh, mở rộng quyền lợi, mức chi phí, vật tư thiết yếu.

Tại Hội nghị, ông Phạm Lương Sơn cũng chính thức thông tin đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo vẫn được ngân sách hỗ trợ 70%.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Sẽ sửa đổi hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế cho học sinh
Sẽ sửa đổi hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế cho học sinh

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Ngũ Duy Anh đã làm rõ những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN