Kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng nở rộ tại Việt Nam (ảnh minh họa).
|
Mới đây, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã giao cho các chi cục thuế danh sách một số doanh nghiệp có kinh doanh qua mạng để mời người đại diện tới tuyên truyền, hướng dẫn về nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, một số chi cục thuế cho rằng không nhận được sự phản hồi hoặc không có cá nhân hay tổ chức nào đến làm việc. Phía cơ quan thuế cho rằng, nếu các chủ tài khoản Facebook được mời nhưng không lên làm việc, cơ quan thuế sẽ xuống tận địa chỉ kinh doanh để kiểm tra.
Chia sẻ vấn đề này, một số chuyên gia về ngành thuế cho rằng, cần phải có khung pháp lý chặt chẽ hơn trong việc quản lý thuế đối với người bán hàng Facebook. “Trước tiên cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý, đề ra các chế tài quy định chặt chẽ về việc đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế cho người bán hàng”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nói.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm là phải nộp thuế. Bản thân người kinh doanh cần tự kê khai, tự tính, tự nộp. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, quản lý theo quy định.
Theo quy định pháp luật về thuế hiện hành, nguyên tắc khi bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, thực hiện kê khai những thông tin của doanh nghiệp hoặc cá nhân theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước.
Các tổ chức, các nhân nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ quảng cáo trực tuyến qua hệ thống các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử… cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua dịch vụ của phía nước ngoài tại Việt Nam phải ký hợp đồng với phía nước ngoài, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài, thực hiện nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam.
Bên Việt Nam mua dịch vụ của nước ngoài cũng có trách nhiệm đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thay thuế cho phía nước ngoài, trong phạm vi hai ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế cho trường hợp này được quy định rõ tại Thông tư số 103/2014/TT- BTC.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử trực tuyến, quảng cáo trực tuyến nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ thuế thì theo chế độ hiện hành; doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT cơ bản theo thuế suất 10% và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất là 20%.
Đối với cá nhân kinh doanh (không thành lập doanh nghiệp) có hoạt động kinh doanh thương mại, bán hàng qua mạng thì thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT; nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ quy định trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ. Trong đó, đối với bán hàng hóa qua mạng xã hội, các hình thức bán hàng trực tuyến… cá nhân phải nộp thuế GTGT theo thuế suất 1% và thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất 0,5% trên doanh thu bán hàng. Tuy nhiên, việc thu thuế chỉ áp dụng với các cá nhân có mức doanh thu bán hàng trên 100 triệu đồng năm.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, muốn tăng cường kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các phương thức kinh doanh, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành. Theo đó, đầu tiên là cần triển khai ngay việc đăng ký thuế, bổ sung thông tin thay đổi về thuế đối với các tổ chức cá nhân đang tiến hành kinh doanh thương mại điện tử...
Đồng thời, cũng cần áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, đó là cần thiết phải xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử cho từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra riêng đối với hoạt động này. Thực hiện công tác đào tạo chuyên sâu các kiến thức về thương mại điện tử và công nghệ thông tin; kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử cho đội ngũ cán bộ công chức thuế, đặc biệt là công chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên có những ý kiến đặt ra, mỗi cá nhân, tổ chức hiện có thể sở hữu nhiều trang, nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội nên việc kiểm soát được việc kinh doanh, buôn bán của các cá nhân trên Facebook gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, không ít trường hợp các cửa hàng chỉ sử dụng Facebook như một kênh tư vấn, tiếp thị sản phẩm.