Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Cần những giải pháp hữu hiệu vực dậy nền kinh tế

Nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng, Chính phủ đã điều hành quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đem lại nhiều kết quả tích cực như giá cả được kiềm chế, lãi suất ngân hàng giảm, cơ bản đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế nước ta có nhiều điểm sáng, tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ có nhiều tiến bộ, một số chính sách kích cầu hỗ trợ thị trường phát huy được tác dụng.


Các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) khẳng định: So với năm 2012, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô có những chuyển biến tích cực hơn thể hiện qua các dự báo như lạm phát được kiềm chế, lãi suất tiếp tục giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại có bước cải thiện, xuất khẩu tăng… Trong điều hành, Chính phủ đã chủ động và nỗ lực thực hiện các mục tiêu tổng quát về kinh tế xã hội năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.


Vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về một số số liệu chưa ăn khớp giữa Báo cáo của Chính phủ với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tình hình thực tế hiện nay. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu: Đã từ nhiều năm nay, chúng ta chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp 1,5 - 2 lần GDP quốc gia. Vấn đề sinh tử hiện nay là giải quyết nợ xấu, tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của số liệu này là rất thấp. Tại sao hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, các doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư, tài sản ngày càng giảm mà tạo việc làm mới vẫn đều đặn hàng năm từ 1,5 - 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm giảm...

 

Đề xuất các giải pháp vực dậy nền kinh tế


Sớm khắc phục khuyết tật của nền kinh tế, khôi phục niềm tin cho thị trường là ý kiến của các đại biểu Huỳnh Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Trần Du Lịch, Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) khi đề xuất một số nhóm giải pháp cấp bách cũng như những giải pháp phục vụ cho mục tiêu trung và dài hạn để vực dậy nền kinh tế.


Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đồng tình với 6 nhóm giải pháp Chính phủ đã nêu nhưng cho rằng các nhóm giải pháp này chưa vững mạnh để vực nền kinh tế dậy. Đại biểu đề xuất 4 nhóm giải pháp, đó là trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, phải xây dựng một chương trình mục tiêu trung hạn nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong 3 năm 2013 - 2015; có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công; thực hiện những giải pháp giảm, miễn thuế 3 năm (đến 2015); ngăn chặn bội chi ngân sách dưới mức 4,8% GDP.


Từ những phân tích về nợ xấu, hàng tồn kho lớn, các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Trần Ngọc Vinh, Hà Sỹ Đồng đề nghị trước hết cần tập trung giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng tiền, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, khôi phục niềm tin cho thị trường, đi cùng với đó là kiềm chế lạm phát.


 

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai).

 

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị, việc cần làm ngay là tháo gỡ nút thắt ngân hàng, thừa thanh khoản, thực hiện giải pháp phân bổ nguồn lực từ nguồn NSNN theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm. Phải quyết liệt thực hiện trả nợ đọng trong xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội. Đây là giải pháp thúc đẩy giải quyết nợ xấu. Để phát triển kinh tế bền vững, các đô thị phải di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đặc biệt là các lưu vực sông như sông Đồng Nai. Đề nghị có chính sách hỗ trợ di dời các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai, khu kỹ nghệ Biên Hòa trước đây theo chủ trương của Chính phủ. Kịp thời sửa đổi, bổ sung đồng bộ thể chế chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, quản lý và bảo vệ rừng. Cần phân định rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong năm 2013, không để lợi ích nhóm chi phối.

 

Giảm hộ nghèo bền vững


Theo đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), để giảm hộ nghèo một cách bền vững, Chính phủ đã có các giải pháp như triển khai Chương trình 135 giai đoạn 3, trợ giúp xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ sản xuất, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm, nâng thu nhập cho người lao động nông thôn… Đại biểu đề xuất: Các địa phương cần rà soát lại đối tượng thuộc diện nghèo vì đây là cơ sở cho việc lập chương trình cụ thể trước mắt và lâu dài. Trung ương tiếp tục đầu tư cho người nghèo với mức vốn ngày càng cao; quan tâm hơn nữa tạo vốn cho người nghèo sản xuất, kinh doanh; tập trung xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát triển quỹ xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn vốn ổn định và tăng quy mô, phạm vi cho vay; đổi mới chính sách với người nghèo, trong đó có chính sách giao đất giao rừng cho người dân tộc thiểu số…


Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Qua sơ kết, có thể thấy chính sách giảm nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực tuy nhiên một số chính sách còn chồng chéo. Ban chỉ đạo đã rà soát lại chính sách hộ nghèo để sắp xếp lại đối tượng cho hợp lý; thống nhất chủ trương giảm dần hỗ trợ trực tiếp thay bằng chính sách cho vay.


Đề cập những giải pháp căn cơ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo ý kiến của nhiều đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết: Mục tiêu đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tăng mạnh đầu tư NSNN để đảm bảo sau 5 năm, mức tăng tối thiểu là 2 lần. Trong bố trí phân bổ ngân sách, đến 2013 đã phân bổ nguồn vốn đầu tư là 131.000 tỷ đồng, tăng trên 2,5 lần so với năm 2009. Tỷ trọng chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% trong dự toán năm 2013. Đối với ngư dân, bên cạnh các chính sách đã có, hiện Chính phủ đã ban hành Quyết định thí điểm cho ngư dân thay tàu mới công suất lớn với mức hỗ trợ lớn (70-80% kinh phí đóng tàu); nghiên cứu chính sách hỗ trợ nghề cá hiệu quả nhất...



Giải quyết nợ xấu


 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

 

Liên quan đến vấn đề giải quyết nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia vào việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Từ tháng 4/2012 đến nay, tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp đã lên tới 284.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% tổng dư nợ). Đồng thời, tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Năm 2012 tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro xấp xỉ 70.000 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2013, đã xử lý tiếp được 7.500 tỷ đồng từ nguồn này và trích lập thêm 68.000 tỷ đồng để cuối năm xử lý nợ xấu. Với nỗ lực của hệ thống ngân hàng, đã tháo gỡ được một phần rất lớn nợ xấu, kìm chế tốc độ gia tăng của nợ xấu trong thời gian qua.


Theo Thống đốc, Đề án xử lý nợ xấu cũng đã được Bộ Chính trị phê duyệt đầu tháng 3/2013; đầu tháng 5/2013, Chính phủ cũng đã chính thức thông qua Nghị định thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tích cực triển khai các bước tiếp theo, sớm đưa công ty này vào hoạt động, góp phần vào việc giải quyết nợ xấu từ 40.000-70.000 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp các bộ, ban, ngành đưa ra gói hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình mua nhà ở xã hội, góp phần giải quyết tồn kho cho thị trường bất động sản; cố gắng phấn đấu giải ngân trong năm nay 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra là những gói hỗ trợ khác, tháo gỡ khó khăn trong giải quyết hàng tồn kho…

 

Tái cơ cấu


 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Giải trình về vấn đề tái cơ cấu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tính từ cuối năm 2012 đến nay, các tập đoàn, tổng công ty 91 đã trình Thủ tướng Đề án tái cấu trúc lại, đến ngày 20/5/2013 có 17/21 đề án đã được phê duyệt. Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty này đang dự thảo các nghị định, văn bản để hoàn thiện thực hiện theo mô hình mới.


Liên quan đến Đề án tái cấu trúc đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, điểm đầu tiên là phải ngăn cản được việc bố trí dàn trải, kém hiệu quả, có chế tài bố trí vốn tập trung hơn…Theo đó, Chỉ thị 1792 đã đưa ra những quy định tương đối chặt chẽ, giải quyết được mối quan hệ giữa phân cấp của quyền tự chủ lựa chọn bố trí công trình của các bộ, ngành, địa phương và đảm bảo sự kiểm soát của Trung ương. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, 96,5% số vốn do Trung ương kiểm soát đã thực hiện đúng theo Chỉ thị 1792, bố trí tập trung, không dàn trải và theo thứ tự ưu tiên. Bộ trưởng khẳng định: Nếu tiếp tục, đến 2015, có thể cơ bản chấm dứt tình trạng bố trí dàn trải.


Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đồng tình cao: Nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.


Chu Thanh Vân - Thanh Hòa

Đại biểu Trần Du Lịch: Đề xuất chính sách lạm phát mục tiêu
Đại biểu Trần Du Lịch: Đề xuất chính sách lạm phát mục tiêu

Để áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu, chúng ta cần tiến hành nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó quan trọng hơn cả là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để có một hệ thống ngân hàng vững mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN