5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,35% so với tháng 12/2012. Theo tôi, thời điểm này có thể nhận định rằng, nguy cơ lạm phát cao có thể không xảy ra và đây chính là thời điểm hội tụ đủ yếu tố để thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu. Tôi đã đề nghị Quốc hội thực thi chính sách này từ năm ngoái. Sau chính sách trung hạn trong 3 năm (từ nay đến hết 2015) là chính sách lạm phát mục tiêu dài hạn trong 5 năm tiếp theo với mục tiêu lạm phát chỉ còn 5%.
Chính sách lạm phát mục tiêu là chính sách đặt ra mức lạm phát ở kỳ trung và dài hạn thay cho ngắn hạn như hiện nay. Cụ thể, duy trì mức lạm phát 6,5-7% trong 3 năm 2013, 2014 và năm 2015. Việc thực hiện chính sách này hoàn toàn có dư địa để thực hiện chính sách tín dụng và tài khóa. Đây là cơ hội để vực dậy nền kinh tế, tăng tổng cầu mà không tăng nguy cơ lạm phát.
Để áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu, chúng ta cần tiến hành nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó quan trọng hơn cả là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để có một hệ thống ngân hàng vững mạnh. Sở dĩ trong 2 năm qua, quá trình tái cơ cấu chưa làm được triệt để là vì nền kinh tế còn yếu chưa cho phép tiến hành một “cuộc đại phẫu”; còn hiện giờ, nền kinh tế đã đủ điều kiện để thực hiện một cuộc “phẫu thuật” này.
Về vấn đề này, tôi sẽ kiến nghị Quốc hội đưa ra Nghị quyết làm rõ chương trình trung hạn 3 năm phục hồi nền kinh tế với mức lạm phát mục tiêu chứ không “ăn đong” 6 tháng hay 1 năm như bây giờ. Theo đó, chúng ta sẽ tính được tổng mức đầu tư là bao nhiêu? Chính sách ổn định tỷ giá như thế nào?… để từ đó điều chỉnh các chỉ tiêu của nền kinh tế cho phù hợp, giúp lưu thông dòng tiền, tiến trình cải cách tiền lương cũng được dựa vào chính sách này mà có lộ trình thực hiện.
Để áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu, chúng ta cần sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa, cân đối dòng tiền, theo dõi chặt chẽ từng tháng, từng quý.
M.Phương - P.Liên (thực hiện)