Kết hợp vận động với chính sách hỗ trợ

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về người có uy tín, nhiều bài học kinh nghiệm từ các bộ ngành, địa phương đã được đúc rút. Điểm chung là ở đâu triển khai tốt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách cho người có uy tín thì vai trò “đầu tàu” của họ sẽ được phát huy. Báo Tin Tức trích đăng những kinh nghiệm quý được đúc rút từ thực tiễn triển khai của các bộ ngành, địa phương.


Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Cần tập huấn hàng năm


Trước hết, phải có nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của người có uy tín trong việc thực hiện chính sách dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới. Trên cơ sở đó, xây dựng những chủ trương, biện pháp cụ thể, phù hợp, sát đúng với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và tình hình địa bàn. Phải có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong quản lý, vận động và phát huy vai trò của người có uy tín. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong vận động, phát huy vai trò người có uy tín.

 

Phó chủ nhiệm UBDT Hoàng Xuân Lương tặng quà người có uy tín huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Trọng Thủy


Đồng thời cần có các chế độ, chính sách thỏa đáng đối với người có uy tín, các địa phương và các cơ quan cần có những ưu tiên, hỗ trợ cho gia đình người có uy tín trong sinh hoạt và phát triển kinh tế hộ gia đình. Hằng năm, các địa phương cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế, quốc phòng, pháp luật cho người có uy tín; thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu cho họ để họ có điều kiện tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.


Tỉnh Quảng Ninh: Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần


Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự… các cấp ngành cần nâng cao hơn nữa về nhận thức cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của người có uy tín đối với cộng đồng; Tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực của Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 06 ở các cấp, đưa công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 06 vào Nghị quyết lãnh đạo các cấp ủy đảng, vào chương trình kế hoạch công tác của chính quyền các cấp, ngành, địa phương; làm tốt công tác bình xét, rà soát danh sách người có uy tín ở cơ sở, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về mọi mặt; quan tâm chăm lo hỗ trợ hơn nữa về vật chất, động viên tinh thần cho những người có uy tín.


Tỉnh Gia Lai: Khen thưởng kịp thời


Vận động, phát huy vai trò người có uy tín là nội dung quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan ban ngành trong hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc, Dân vận, Tôn giáo, Dân tộc, Công an, Quân đội làm lực lượng nòng cốt để tiến hành thường xuyên công tác vận động. Có sự phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành trong công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ban ngành, trong công tác vận động người có uy tín.


Bên cạnh đó, phải thường xuyên rà soát, phân loại, đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên từng lĩnh vực cụ thể để có kế hoạch bồi dưỡng, có biện pháp vận động, tranh thủ cho phù hợp. Kết hợp vận động, thuyết phục với quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của họ. Kịp thời động viên, khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Cán bộ làm công tác vận động phải có kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng bố trí, sử dụng cán bộ là người địa phương.


Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Linh hoạt trong cảm hóa


Đối với đặc thù địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, việc phát huy vai trò của những người có uy tín là vô cùng cần thiết, quan trọng. Hiện nay, các tổ chức phản động luôn tìm mọi cách tác động vào vùng dân tộc thiểu số (trong đó có vùng đồng bào Khmer), do đó cần sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc, người có uy tín am hiểu về dân tộc bản địa, nói được tiếng dân tộc để tiếp xúc, tuyên truyền vận động mới tạo được tâm lý, tình cảm, thu hút được đồng bào từ đó xử lý tốt những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.


Hiện nay, vấn đề đáng quan tâm nhất là những người có uy tín do ta tranh thủ, vận động, chăm sóc thì các hội nhóm, tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài cũng đã và đang tranh giành với ta. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp người có uy tín bị chúng tác động, lôi kéo, xúi giục… nên đã có thái độ không đồng tình, hợp tác. Do vậy, trong đấu tranh chống lại các phần tử cực đoan, các tổ chức phản động và trong giải quyết các vụ việc phức tạp thì phải vận động, tranh thủ hàng ngũ chức sắc, người có uy tín đứng về phía chính quyền để giải quyết ổn định tình hình.


Minh Đức(lược nghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN