Cứ mỗi độ xuân về, không hiểu sao tôi lại da diết nhớ những cái Tết Quảng Trị. Mà không hẳn chỉ là nỗi nhớ, tôi như đang được sống, đón Tết, đón xuân cùng đất và người Quảng Trị - cái vùng đất tôi đã để lại cả tuổi thanh xuân, cả thời trai trẻ.
Cái vùng đất một thời ngỡ đã bị nghiền nát dưới trùng trùng đạn bom, dưới trùng trùng gót giày quân xâm lược. Cái vùng đất mỏng manh nằm kẹp giữa núi cao và biển cả, dữ dằn nắng gội, mưa chan. Vùng đất mùa hè ngùn ngụt gió Lào, mùa đông sụt sùi gió bấc, mưa dầm.
Nhưng lạ kỳ thay là mùa xuân Quảng Trị. Trên miền quê ngỡ như hoang tàn, ngỡ như cỗi cằn này, khi Tết đến vẫn đằm thắm sắc hoa xuân. Hoa xuân Quảng Trị cũng mang đậm tính cách người Quảng Trị, giản dị, mộc mạc, phong sương mà lộng lẫy, nồng nàn. Bởi hoa và người, người và hoa cùng được sinh nở trên vùng đất lịch sử máu và hoa. Vùng đất từng một thời dội vang hịch Cần Vương của vị vua trẻ tuổi Nguyễn Phước Ưng Lịch từ căn cứ địa Tân Sở. Vùng đất còn vọng mãi lời nói của vị Hoàng đế trên bãi biển Cửa Tùng, mang dáng dấp một lời hịch cứu nước: “Tay bẩn thì lấy nước mà rửa. Nước bẩn thì phải lấy máu mà rửa!”.
Vùng đất có dòng sông xanh đến lạ lùng, hiền đến lạ lùng mà suốt hai mươi năm có lẻ, quặn đau nỗi đau chia cắt của đất nước, của dân tộc. Vùng đất có ngôi thành cổ là pháo đài bất tử suốt 81 ngày đêm bão lửa, 81 ngày đêm đỏ máu và hoa; nơi có dòng sông hiền hòa, mà thuyền ai xuôi trên đó hãy “xin chèo nhẹ” bởi mùa hè đỏ lửa năm một chín bảy hai dưới “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, nơi biết mấy “tuổi thanh xuân thành sóng nước”.
Vùng đất của những con người quả cảm, cần lao trong cuộc hành trình mấy trăm năm “mang gươm đi mở cõi”, trong gần nửa thế kỷ cầm súng không ngưng nghỉ trên tuyến đầu chống lại những đạo quân xâm lăng cường bạo nhất của thế kỷ XX, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của cha ông…!
Những năm làm lính trận, tôi cùng tiểu đoàn đặc công 31 Quân Giải phóng Mặt trận Bắc Quảng Trị của mình được ăn nhiều cái Tết với người Quảng Trị. Tôi bất ngờ khi nhận ra người Quảng Trị đón Tết không phải như quê tôi, chỉ có sắc hồng hoa đào mà còn có sắc vàng hoa mai quý phái, huyền diệu. Trên bàn thờ tổ tiên, nhiều nơi trên vùng đất Quảng Trị, cũng như quê tôi, có những chiếc bánh chưng, bánh dày, mang triết lý “trời tròn đất vuông” từ thuở Vua Hùng. Còn nữa, đa phần trên bàn thờ Tết của người Quảng Trị hiện hữu những đòn bánh tét và những đĩa bánh dày mang đậm triết lý phồn thực dân gian, triết lý của những người đi mở đất. Tất cả trộn lẫn, giao hòa cùng nhau làm nên cái Tết có dễ không nơi nào có. Tết mang sắc màu của người Quảng Trị!
Tôi nhớ khắc khoải cái Tết đầu tiên đời lính của mình trong cánh rừng miền tây Quảng Trị. Bàn thờ Tết được kết bằng mấy hòm đạn, đặt trước cửa hầm. Ở chiến trường, hương, trầm chẳng có đã đành, trên bàn thờ Tết chỉ vẻn vẹn vài chiếc bánh chưng, mấy đòn bánh tét đồng bào ủng hộ bộ đội. Mấy o du kích Do - Cam đi đến nghiêng ngó một lúc rồi chép miệng kéo nhau đi. Non trưa, mấy o trở về trên vai mỗi người là một cành mai đang nở hoa vàng như màu nắng. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy hoa mai.
Các o du kích còn líu ríu nói với chúng tôi: “Tết nhất thì phải có hoa mai trên bàn thờ mới là Tết. Đây là loài hoa thiêng đó mấy eng!” Nhìn các o du kích vai khoác súng, hông đeo lựu đạn, quỳ mê mẩn bên những bông mai mà màu vàng của nó cứ rừng rực như lửa giữa giá rét, sương gió rừng xanh, giữa tiếng máy bay gào rú trên đầu và tiếng pháo, bom chát chúa, tôi chạnh nhớ đôi câu đối đầy khí phách của Cao Chu Thần: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm giao thiệp cầu gươm báu/ Một đời chỉ cúi trước hoa mai), mà càng cảm phục tâm hồn, khí phách người Quảng Trị.
Những năm đất nước gồng mình đánh giặc, Quảng Trị là vùng đất tuyến đầu. Cũng như người lính chúng tôi, người Quảng Trị dù bận đánh giặc vẫn cùng nhau đón Tết, dù đơn sơ mà ấm áp xiết bao. Người Quảng Trị giản dị trong cách sống, cách nói năng, ăn mặc, giản dị cả trong cách đón Tết. Tất nhiên trên bàn thờ Tết vẫn có hoa trái, bánh chưng, bánh tét. Tất nhiên mỗi gia đình đều có “thịt treo trong nhà”. Còn hoa thì không thể thiếu. Nhưng cũng giản dị như người, những cành mai, cành đào được người Quảng Trị đốn từ vườn nhà, từ núi rừng mang về cắm trang trọng trên bàn thờ Tết.
Thời là phóng viên Báo Quân khu Bốn, một lần ra đảo Cồn Cỏ, tôi đã từng ngẩn ngơ thán phục nhìn những cành đào, cành mai được người dân Vĩnh Linh nâng niu, gìn giữ suốt hơn 17 hải lý sóng gió, bom đạn bời bời, vẫn nguyên vẹn từng cánh hoa, từng chồi biếc, mang cái Tết, mang mùa xuân trọn vẹn ra với người lính đảo Cồn Cỏ. Trong những chuyến đi của mình về với vùng đất này, tôi đã không ít lần cúi đầu trước những cây mai già miền tây Hướng Hóa, dù bị bom, pháo chặt gãy thân cành, dù bị chất độc hóa học làm cho trơ trụi vẫn kiên gan nhú lộc, đâm chồi, đơm hoa cùng người Quảng Trị, cùng người lính chúng tôi đón Tết, đón xuân giữa thăm thẳm đại ngàn…
Đất nước thanh bình, cuộc sống người dân ngày càng đi lên, ngày càng khởi sắc trong công cuộc đổi mới của Đảng ta. Trên bàn thờ Tết của mọi nhà, mọi cơ quan, đơn vị, những cây mai, cây đào được chăm chút, uốn lượn, tỉa tót đủ vẻ, đủ dáng đã thay thế những cành đào, cành mai từ vườn nhà, từ rừng xanh, từ nguyên sơ, minh chứng cho sự sung túc, đủ đầy. Mai vàng Quảng Trị đã sánh vai cùng đào thắm đất Bắc trong phòng khách người Quảng Trị. Có thấy những bông mai vàng nồng nàn, quý phái quấn quýt bên sắc hồng e ấp, kiêu sa của hoa đào, mới thấy mùa xuân đất Việt sao mà đằm thắm, sao mà trọn vẹn.
Người Quảng Trị thủy chung, ân tình với hoa, với mùa xuân. Thay vì cách chơi hoa của những kẻ nhiều tiền, lắm bạc, chỉ sau mấy ngày Tết, những cây đào, cây mai tính bằng tiền trăm, bạc triệu bị vứt ra đường vì nó đã hết “sứ mạng” của mình; người Quảng Trị lại chắt chiu bứng cây ra trồng trước nhà, trong khuôn viên gia đình. Chẳng phải họ quá tiện tằn mà bởi họ muốn giữ mùa xuân ở mãi. Họ muốn những loài hoa hiện thân của cốt cách quân tử, hiện thân của cái đẹp, hiện thân của mùa xuân sống hết đời hoa, sống trọn với mùa xuân, dâng hương sắc cho đời.
Theo năm tháng, những cây đào, cây mai được người Quảng Trị “hồi sinh” ấy, cũng chung chịu sương sa, gió bấc; cũng chung chịu mưa nắng, bão giông, sống cùng cuộc đời của người Quảng Trị trên mảnh đất nắng cháy, bão dập, mưa dồn này. Rồi cứ độ Tết đến, khi những làn gió ấm áp thổi về, khi bầu trời bỗng chợt trong veo và hương xuân bay lãng đãng, những bông mai, nụ đào “hồi sinh” ấy lại xòe nở những cánh hoa lộng lẫy, mang khí thiêng đất trời, mang hơi thở của mùa xuân cho đất, cho trời, cho người Quảng Trị.
Xuân này, tôi như đứa con xa được trở về quê nhà - về Quảng Trị - dù chỉ là chuyến hành hương thoáng chốc. Thật ngỡ ngàng sau suốt những năm mưa dồn, bão dập mà màu xanh mùa xuân vẫn ngời ngợi khắp những vùng quê xe chúng tôi qua. Chúng tôi đã đi trên con đường được vinh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam - đường Cửa Việt - Cửa Tùng - và dừng lại bên cầu Hiền Lương.
Chúng tôi hết trông sang nhóm tượng đài phía Bắc lại ngắm nhóm tượng đài phía Nam cầu, mà lòng bỗng rưng rưng. Người nghệ sĩ nào đã thổi hồn vào tượng đài hay chính đất lành Quảng Trị, chính dòng sông đau đáu nỗi đau mấy mươi năm xa cách, đợi chờ đã hóa thân vào đó? Chúng tôi cũng đã dừng lại, đứng như hóa đá trước Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh vừa mới xây dựng mấy năm nay, khi thấy một người mẹ trẻ dắt một bé gái, trong tay bé cầm một nhành mai vàng như ngọn đuốc cháy trong chiều muộn, đi vào nghĩa trang.
Trong khi người mẹ kính cẩn cắm những nén nhang lên từng ngôi mộ liệt sĩ, thì bé gái nhẹ nhàng, cẩn trọng đặt nhành mai lên phần mộ. Trong cõi tâm linh nhòa nhạt khói nhang, phải chăng bé muốn người nằm dưới mộ, đang ở một cõi xa xăm nào đó, người ấy có thể là cố, là ông, là bà, là bác, là chú của bé có thêm sắc mai thắm để được đón Tết, đón xuân ấm áp như ở cõi người?
Chúng tôi chia nhau búp nhang còn lại trên xe, kính cẩn đi đến cắm lên lư hương trước tượng đài. Lòng không nguôi nỗi niềm, tôi cứ ao ước nơi nghĩa trang Vĩnh Linh này, nơi hai đầu cầu Hiền Lương này, bên những tượng đài sẽ có thêm những cây mai, cây đào được trồng xuống, được xanh tươi. Để mỗi độ Tết đến, xuân về, hai sắc hoa mai đào quấn quýt bên nhau, quyện vào nhau. Để mùa xuân nơi này mãi mãi không còn nỗi đau chia cắt. Và để cho anh linh những người con đất Việt anh hùng đã ngã xuống cho mùa xuân sinh nở đang ở mãi cùng đất lành Quảng Trị, mãi mãi đằm thắm sắc hoa xuân…
Nguyễn Xuân Diệu