Chính việc mạnh dạn thay đổi giống đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị cây sắn mà còn hạn chế rất lớn tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
Giống sắn mới đã thích nghi với đất đai, khí hậu tại huyện Kon Rẫy. |
Bên cạnh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, cây dược liệu… thì cây sắn đang dần có vị thế ở tỉnh Kon Tum. Nhiều địa phương, trong đó có huyện Kon Rẫy đã xếp cây sắn vào diện “cây xóa đói, giảm nghèo”, nhất là với cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Để nâng cao giá trị của cây sắn, những giống mới như KM419, KM140, KM98-5 đã được huyện Kon Rẫy đưa vào canh tác trên diện rộng thay cho giống truyền thống KM94. Đến nay, huyện Kon Rẫy có khoảng từ 3.200 - 3.500 ha sắn thì giống mới chiếm gần 50% diện tích.
Ưu việt của giống sắn mới chính là năng suất và khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu. Với đặc tính không kén thổ nhưỡng, những vụ sắn bằng giống mới được gieo trồng trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã mang lại những kết quả tốt. Theo thống kê sơ bộ, với 1 hécta trồng bằng các giống mới như KM419, KM140… cho năng suất từ 30 - 35 tấn/ha (giống cũ chỉ từ 15 - 18 tấn/ha).
Ông Huỳnh Minh Chương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy là người tiên phong trong việc đưa giống mới vào canh tác cho biết, sau thời gian đưa vào trồng giống mới, mỗi hécta bây giờ người dân đã có thu nhập gấp đôi so với lúc còn trồng giống cũ. Giá trung bình từ 1.800 - 2.000 đồng/kg cùng với năng suất gấp đôi chắc chắn đời sống, thu nhập của người dân sẽ thay đổi rất nhiều.
Bên cạnh năng suất, tính kháng bệnh ở giống mới cũng rất cao. “Những giống sắn huyện đưa về trồng đều được tuyển chọn kỹ và có cam kết với nơi cung cấp về chất lượng giống, nên bà con rất yên tâm. Ngoài ra, với đặc tính kháng bệnh cao nên giống mới sẽ khó xảy ra tình trạng bệnh chết, không có củ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của sắn”, ông Chương cho biết thêm.
Song song với việc triển khai thực hiện canh tác bằng giống mới, để đảm bảo giá thành và đầu ra cho cây sắn, huyện Kon Rẫy đã chủ trì đứng ra ký cam kết với phía Công ty Cổ phần Fococer Tây Nguyên bao tiêu sản phẩm và đầu tư giống để tiến tới làm cánh đồng mẫu lớn gần 100 ha.
Thu hoạch sắn giống mới tại huyện Kon Rẫy. |
Xác định phải tăng năng suất, sản lượng cho cây sắn trên những diện tích đất đã quy hoạch để hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng phá rừng lấy đất trồng sắn, huyện Kon Rẫy đã khéo léo tuyên truyền cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số dần thay đổi các giống sắn truyền thống. Thực hiện thâm canh với nhiều phương pháp, trong đó tập trung vào đổi mới phương thức gieo trồng, đầu tư khoa học kỹ thuật, phân bón, thực hiện cải tạo chất đất sau mỗi mùa vụ…
Ông Huỳnh Minh Chương cho biết, cùng với diện tích đó nếu cứ canh tác theo lối mòn thì năng suất và sản lượng sẽ không cao. Sau thời gian vài năm, người dân địa phương sẽ đi tìm mảnh đất khác để canh tác dẫn đến xâm lấn vào diện tích rừng. Do đó, huyện đã chủ động hướng dẫn bà con thực hiện thay đổi giống cây trồng bằng các giống có năng suất cao, chống chịu với bệnh và thích hợp với thổ nhưỡng. Đồng thòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng mỳ có chăm sóc… Như vậy, sẽ tăng được năng suất và sản lượng, ổn định được diện tích đã quy hoạch.
Từ những thành công bước đầu của chủ trương thay đổi giống sắn mới, huyện Kon Rẫy đang tiến tới thực hiện làm cánh đồng mẫu lớn với giống sắn mới. Đặc biệt, với sự xuất hiện của Công ty cổ phần Fococer Tây Nguyên trên địa bàn thông qua chủ trương ký kết bao tiêu nguyên liệu, đầu tư vùng nguyên liệu giữa chính quyền và nhà máy đang mở ra một tương lai mới cho cây sắn nơi mảnh đất cằn cỗi Kon Rẫy.