Tình trạng nợ đọng nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã ở mức “nghiêm trọng”, như đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời trong Chương trình: “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác…
Tăng đột biến
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh là một trong những hạn chế trong quá trình triển khai thi hành luật, pháp lệnh thời gian qua. Chính phủ đã có nhiều biện pháp chủ động, tích cực đổi mới công tác chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, như tổ chức các phiên họp chuyên đề, ra các nghị quyết về xây dựng pháp luật, công khai thông báo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về tiến độ và tình trạng nợ đọng văn bản của các bộ, ngành…
Nhờ những cố gắng đó, đến cuối năm 2012, số văn bản chưa ban hành chỉ còn 24 văn bản, mức thấp nhất so với nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến năm 2013, số văn bản nợ đọng tăng đột biến, do Luật Xử lý vi phạm hành chính có số lượng lớn văn bản quy định chi tiết cần ban hành, trong đó có 51 nghị định phải có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực thi hành, chiến gần 40% tổng số nghị định phải ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, mặc dù sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được thông qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên là ban hành các nghị định quy đinh chi tiết, nhưng việc ban hành này vẫn chậm. Lý do là, việc rà soát để giảm từ 130 nghị định trước đây xuống còn 54 nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính là công việc phức tạp, liên quan đến 19/22 bộ, ngành, đòi hỏi nhiều thời gian để thảo luận đi đến thống nhất giữa các bộ, ngành. Bênh cạnh đó, song song với việc giảm số lượng văn bản, các bộ, ngành đều phải tiến hành nghiên cứu, rà soát kỹ một số lượng lớn hành vi vi phạm để xác định hành vi nào bỏ đi, hành vi nào cần sắp xếp lại và thêm mới hành vi nào để đảm bảo phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới ban hành. Ngoài ra, việc xác định hành vi và mức phạt, để vừa bảo đảm tính hợp pháp vừa phải hợp lý và khả thi, là rất khó và nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp. Mặt khác, việc soạn thảo, ban hành các nghị định phải thận trọng, tuân thủ quy trình đầy đủ theo quy định của luật.
Quyết tâm đúng hạn ngày 15/11/2013
“Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực từ ngày 1/7, nhưng đến nay vẫn còn 18 nghị định chưa được ban hành. Việc này có thể tạo khoảng trống về mặt pháp luật”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, phần lớn các nội dung của Luật đã đủ chi tiết để thi hành ngay, mà không cần có văn bản quy định chi tiết. Hầu hết các nghị định ban hành chỉ để quy định chi tiết 2 điều của luật về các hành vi vi phạm hành chính và mức phạt cụ thể trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Việc ban hành các thông tư cũng rất ít và cũng chỉ là để ban hành các biểu mẫu phục vụ việc xử phạt hành chính, nếu cần thiết.
Bộ trưởng chỉ rõ, trong thời gian luật đã có hiệu lực thi hành mà chưa có đủ nghị định quy định chi tiết, thì việc áp dụng pháp luật để xử phạt vi phạm hành chính sẽ gặp khó khăn nhất định. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép tiếp tục áp dụng quy định tại các nghị định hiện hành và các biểu mẫu quyết định, biên bản kèm theo các nghị định, nếu không trái với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính, để bảo đảm duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Bộ Tư pháp cũng đã tích cực trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình các bộ, ngành và địa phương triển khai áp dụng quy định của các nghị định hiện hành để xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo công tác xử lý vi phạm hành chính được hiệu quả, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cho đến nay các bộ, ngành áp dụng theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP chưa gặp vướng mắc gì.
“Chính phủ quyết tâm đến ngày 15/11/2013 tất cả các nghị định xử phạt vi phạm hành chính phải được ban hành. Hiện nay, tất cả các dự thảo nghị định của Chính phủ còn lại đều đang hoặc đã hoàn tất thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ và gấp rút trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành” Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.
Trọng Thủy