Dự thảo nêu rõ, đối với hỗ trợ về đào tạo nghề ngắn hạn: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Cụ thể, hỗ trợ chi phí đào tạo: Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; người dân tộc thiểu số, mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.
Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: Hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người học là người dân tộc thiểu số cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
Đối với hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị có sử dụng lao động tiền bảo hiểm cho lao động là người dân tộc thiểu số được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng lao động. Thời gian Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho đơn vị sử dụng lao động tối đa là 5 năm đối với một người lao động.
Hỗ trợ về tiền thuê đất: Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị (theo số lao động có mặt vào thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước liền kề năm báo cáo) được giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 50% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên làm việc tại đơn vị (theo số lao động có mặt vào thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước liền kề năm báo cáo) được miễn 100% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.