Xã biên giới Nậm Xe là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Cả xã có 17 bản, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc Dao và Thái sinh sống; sản xuất nông nghiệp chiếm trên 90%; tỷ lệ hộ nghèo gần 44% (năm 2011).
Chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai ở xã Nậm Xe như luồng sinh khí mới thổi bùng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, với các chương trình dự án giảm nghèo như tín dụng, chính sách khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ y tế giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...
Chủ động gieo cấy đúng thời vụ. |
Ông Lừu Văn Chớ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xe, cho biết: 5 năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã trở thành một nhiệm vụ chính trị của các cấp, tổ chức đoàn thể trong xã. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai và đi vào cuộc sống của người dân, đến từng bản, từng hộ gia đình; hạn chế đói nghèo, mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần. Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Xe giảm rõ rệt, từ 43,8% xuống còn 29,3%.
Các dự án khuyến nông - khuyến lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; đã giúp cho bà con nông dân tiếp cận được kỹ thuật gieo các giống cây trồng mới như: Ngô lai, lúa lai, lúa thuần... có năng suất, chất lượng tốt. Người dân cũng được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi một số loại vật nuôi mới như lợn Móng Cái, gà Lai Mía... và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập.
Giống lúa mới cho năng suất cao hơn. |
Chị Tao Thị Lơi, dân tộc Dao, ở bản 42, xã Nậm Xe, chia sẻ: "Mỗi khi đầu vụ ngô, vụ lúa, chúng tôi lại đăng ký với Nhà nước để được hỗ trợ giá, hỗ trợ phân bón và kỹ thuật chăm sóc sản xuất nông nghiệp; nhà nào có nhiều nương thì được hỗ trợ nhiều, ít thì hỗ trợ ít. Gia đình tôi, mỗi vụ ngô thu về 20 - 30 bao; làm ruộng mỗi vụ cũng được khoảng 70 bao thóc. Cuộc sống không còn vất vả nữa”.
Giai đoạn 2011 - 2015, tổng kinh phí huyện Phong Thổ đã bố trí để thực hiện giảm nghèo bền vững cho 18 xã, thị trấn, với trên 387 tỷ đồng. Từ đây, huyện Phong Thổ đã ban hành các Quyết định thành lập và kiện toàn tổ chức bộ máy Ban chỉ đạo các cấp, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban chỉ đạo giảm nghèo. Đặc biệt, huyện Phong Thổ đã tiến hành mở rộng sản xuất nông nghiệp bằng những cách làm kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế qua việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo như: Mô hình thâm canh lúa thuần chất lượng cao, cơ giới hóa đồng ruộng...
Mô hình trồng ngô hàng hóa được bà con áp dụng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. |
Ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ huy động tối đa các nguồn lực để xóa đói giảm nghèo, khai thác triệt để có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, tối ưu hóa phát triển nền kinh tế hàng hóa ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ưu tiên thực hiện đồng bộ các dự án, chính sách trên địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn, các xã phấn đấu đạt nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015 góp phần tăng thu nhập của người lao động, của hộ nghèo; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để giảm nghèo bền vững.