Những năm qua, tỉnh chú trọng thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con được nâng lên. Trong đó, hỗ trợ vay vốn là một trong những giải pháp quan trọng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Theo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, đến đầu tháng 11/2016, tổng dư nợ trong đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh khoảng 290 tỷ đồng, với hơn 22.000 hộ vay. Hầu hết bà con sử dụng vốn vay vào sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, mua sắm máy cày, chăn nuôi trâu, bò, lợn, nuôi cá, trồng hoa màu và đầu tư phát triển một số nghề truyền thống đan lát, mua bán nhỏ... Nhờ vậy, một bộ phận hộ đồng bào dân tộc Khmer giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tiêu chí mới hiện nay còn khoảng 17%, cận nghèo hơn 5%.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giang Thành cho bà con vay vốn tại xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành. |
Ông Đoàn Công Thiệt, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết, qua theo dõi, giám sát, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhìn chung bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ vươn lên khá giàu. Để đồng vốn vay đến tay bà con sinh lợi, ngân hàng đã phối hợp với ngành chức năng hữu quan và các địa phương chuyển tải một số mô hình kinh tế hộ gia đình dễ thực hiện, hiệu quả và hướng dẫn bà con cách làm theo phương thức “trao cần câu để câu cá”, lấy ngắn nuôi dài... Chú trọng những vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, vùng biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận nguồn vốn chính sách và sử dụng hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang) có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Từ thực tế đời sống và điều kiện sản xuất nơi vùng biên, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giang Thành hỗ trợ vốn vay cho bà con nuôi lợn, nuôi bò, nuôi cá và trồng lúa mang lại hiệu quả, nhiều hộ thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình bà Thị Đẹp, ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành trước đây thuộc diện nghèo khó khăn, thiếu vốn sản xuất, nhưng nhờ đồng vốn vay ngân hàng giúp gia đình bà thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, xây cất nhà ở kiên cố, khang trang. Bên đàn lợn thịt 7 con sắp xuất bán, bà Thị Đẹp phấn khởi cho biết: "Năm 2014, nhờ Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện, tôi vay ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng xây chuồng nuôi 2 con lợn thịt, 1 con lợn nái và mua phân trồng lúa. Sau 5 - 6 tháng, lợn thịt xuất chuồng bán và lợn nái sinh sản, tôi vừa bán lợn con vừa để lại nuôi".
Cứ thế, nuôi lợn thịt tăng lên 5 - 7 con và mỗi đợt như vậy, gia đình bà thu về hàng chục triệu đồng kết hợp với trồng 2 vụ lúa/năm xây được nhà ở khang trang, cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều.
Cùng địa chỉ trên, bà Thị Hường vay vốn nuôi bò vỗ béo và trồng lúa. Bà Thị Hường cho biết, nhờ phụ nữ xã bảo lãnh, gia đình bà vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng mua 2 con bò về vỗ béo và mua phân bón lúa. Sau 3 - 4 tháng, bò nuôi béo lên xuất bán lời hơn 20 triệu đồng, gia đình vừa trả được một phần vốn vay ngân hàng vừa tiếp tục mua 4 con bò nuôi vỗ béo. Dự định trong thời gian tới, gia đình bà bán 4 con bò này và vay thêm ngân hàng để phát triển đàn bò nhiều hơn.
Đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là cứu cánh cho những hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo thiếu vốn sản xuất. Họ thoát cảnh vay nặng lãi bên ngoài, chủ động được nguồn vốn đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Ông Mai Huỳnh Tú, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang chia sẻ, đối với huyện biên giới Giang Thành hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 25% dân số toàn huyện, phần lớn là bà con dân tộc Khmer. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giang Thành cho vay ủy thác qua các tổ chức xã hội tại địa phương. Việc cho vay được bình xét từ cơ sở ấp, chính quyền địa phương, ngân hàng chú trọng đến những hộ dân có điều kiện sản xuất nhưng thiếu vốn, tạo điều kiện cho họ vay để phát triển kinh tế gia đình.
Bà Trần Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, cho hay hầu hết hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn vay vào chăn nuôi bò, nuôi lợn, nuôi cá và trồng lúa, vì đây là những thế mạnh kinh tế của địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng biên giới Giang Thành. Đến nay, nhìn chung các hộ vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích, sinh lợi, mang lại hiệu quả tích cực, giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời gian tới, cùng với việc hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào phương cách làm kinh tế gia đình hiệu quả, đổi mới tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu chính đáng. Quan tâm dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bố trí đất sản xuất để giúp đồng bào dân tộc nghèo tháo gỡ khó khăn, giảm nghèo bền vững. Chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.