Dịch đau mắt đỏ lây lan trên diện rộng

Không riêng gì Hà Nội, đến nay, dịch đau mắt đỏ đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc như Điện Biên, Bắc Ninh, Ninh Bình...

Xu hướng tăng

Hơn 1 tuần nay, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ trên diện rộng và đang lây lan khá nhanh. Đối tượng lây nhiễm nhiều nhất là học sinh mầm non, tiểu học. Đã có thời điểm, tại các trường học như Mầm non Hoa Ban, Mầm non Thanh Bình, Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ..., số lượng học sinh nghỉ học do đau mắt đỏ lên tới 1/3, thậm chí tương đương 1/2 tổng số học sinh tại một số lớp.

Khám điều trị cho người đau mắt đỏ tại khoa Khám - Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN



BS Lê Trọng Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên cho biết: “Sở dĩ bệnh lây nhiễm nhanh chóng tại các trường mầm non, tiểu học bán trú là do tình trạng học sinh dùng chung khăn mặt, hoặc chung 1 chậu nước rửa, nên chỉ 1 người mắc bệnh là có thể lây nhiễm ra cả lớp. Mặt khác, theo đặc điểm dịch tễ thì có thể do nhiều vi rút gây bệnh, nên bệnh dịch dễ lây lan trong không khí”.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ, hiện tại thành phố đã ghi nhận trên 350 trường hợp lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thống kê sơ bộ, bởi nhiều trường hợp mắc bệnh, bệnh nhân không được đưa đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, mà tự đến các phòng khám tư nhân hoặc mua thuốc về tự điều trị. Còn các địa phương khác trong tỉnh, hiện vẫn chưa có báo cáo cụ thể.

Tương tự, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tăng đột biến, chiếm khoảng 20 - 30% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị. Riêng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang ghi nhận hơn 1.500 trường hợp đến khám và điều trị đau mắt đỏ. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, số lượng học sinh phải nghỉ học để điều trị bệnh đau mắt đỏ cũng tăng nhanh.

“Tình trạng đau mắt đỏ ở Bắc Ninh đang có chiều hướng tăng nhanh trong khoảng 2 tuần gần đây. Tính từ 1/9 đến 14/9, Bắc Ninh ghi nhận hơn 2.500 trường hợp, chưa kể những trường hợp khám, chữa tại cộng đồng”, ông Nguyễn Khắc Từ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ.
Còn theo BS Nguyễn Quang Xuân, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắcxin sinh phẩm, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình: “Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh đau mắt đỏ cũng có xu hướng lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh. Số người đến khám, điều trị tại bệnh viện đã tăng khoảng 30% so với ngày bình thường”.

Chú trọng “chặn” dịch trong trường học

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đại diện Sở Y tế Bắc Ninh cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn; hướng dẫn các biện pháp chống lây nhiễm tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cộng đồng vệ sinh cá nhân, môi trường phòng chống dịch bệnh.

Tại Hà Nội, nhằm ngăn bệnh đau mắt đỏ bùng phát, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức trong cộng đồng; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê chính xác số lượng bệnh nhân mắc viêm kết mạc cấp; theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh để phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời ổ dịch, báo cáo ngay về Sở Y tế nếu bệnh nhân gia tăng.

Đặc biệt, để phòng tránh bệnh lây lan trong các trường học, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các nhà trường cần tập trung hơn nữa công tác vệ sinh trường, lớp, bếp ăn, khu vệ sinh, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng, vật dụng... Duy trì thực hiện vệ sinh cá nhân cho học sinh như rửa tay, rửa mặt bằng khăn riêng. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra tình hình sức khỏe học sinh và giáo viên tại trường để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, thông báo cho gia đình đưa trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế. Các trường hợp mắc viêm kết mạc cấp, nhà trường phải có biện pháp kiểm soát, tránh để các cháu tiếp xúc trực tiếp với các bạn, phối hợp cùng phụ huynh cho con nghỉ học đến khi khỏi bệnh. Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học phải phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch theo quy định.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, ngành y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ diễn biến, có phương án ngăn chặn không để bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết để người dân chủ động phòng bệnh. Các trường học trên địa bàn khi phát hiện học sinh bị bệnh thì cho các em nghỉ học để điều trị, tránh lây bệnh cho những người xung quanh.

“Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; rửa mắt hàng ngày bằng thuốc nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%; không dùng chung thuốc nhỏ mắt, đồ dùng với người đau mắt; hạn chế đến những nơi đông người, tiếp xúc với người bị bệnh. Đặc biệt, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị, không đắp lá trầu vào mắt vì dễ gây bỏng mắt và xuất huyết kết mạc”, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Ninh Bình Tô Thị Hoa khuyến cáo.

TTN

Không để bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch
Không để bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch

Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ diễn biến, có phương án ngăn chặn không để bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN