Gần 2 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế tăng mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn nhận định: Năm nay, bệnh xuất hiện muộn và ít rầm rộ hơn so với năm 2013.
Bệnh dễ lây nhiễm
Trưa 12/9, đưa cô con gái Hà Phương đi khám mắt ở BV Mắt Trung ương, chị Nguyễn Ái Huyền, Định Công, Hà Nội vẫn chưa thể bỏ cặp kính đen vì bản thân cũng bị đau mắt cả tuần nay. Chị Huyền cho biết: “Cạnh nhà tôi có người hàng xóm bị đau mắt đỏ, cháu lớn sang chơi về mắc bệnh rồi lây cho mẹ, sau đó thì cháu út cũng bị lây. Như mọi lần bị đau mắt đỏ, tôi tự mua thuốc TOBREX và thuốc nhỏ mắt sinh lý về để tra cho con và bản thân, nhưng không hiểu sao hơn 1 tuần rồi mà cháu bé vẫn kêu nhức mắt”.
Không riêng gì mẹ con chị Huyền, vào BV Mắt Trung ương hay ra đường vào những ngày này, thường dễ bắt gặp nhiều người phải đeo kính đen do đau mắt đỏ. Các chuyên gia y tế khẳng định, lượng bệnh nhân đau mắt trên thực tế lớn hơn nhiều so với các số liệu thống kê tại BV, bởi nhiều người đã chọn cách tự chữa hoặc đi khám bác sĩ tư.
Theo Ths.BS Hoàng Cương, Phó Ban Thông tin tuyên truyền, BV Mắt Trung ương, trong các đợt dịch đau mắt đỏ, tình trạng cả gia đình đều mắc bệnh vẫn thường xảy ra, thậm chí dịch còn xảy ra ở nhiều lớp học, cơ quan xí nghiệp. Đau mắt đỏ là một bệnh dễ lây nhiễm, thường lây sau khi tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, nước mắt người bệnh. Hoặc cũng có thể lây do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như: Tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Bệnh có thể lây từ trước khi bệnh nhân bị đỏ mắt, thời gian ủ bệnh là khoảng 10 ngày sau khi tiếp xúc với virút.
Vấn đề cần lưu ý là đến nay chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
“Bệnh thường lành tính và khỏi bệnh sau 7 - 10 ngày nhưng cũng có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu... có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa.
Đến nay, một số bà mẹ vẫn tự ý điều trị bằng cách nhỏ chanh, nhỏ sữa vào mắt trẻ hoặc xông các lá thuốc chưa được kiểm chứng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Đơn cử, lá thuốc có tinh dầu như trầu không sẽ làm tăng nặng triệu chứng, nặng hơn có thể gây bỏng mắt”, BS Hoàng Cương khuyến cáo.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Tuy số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ tăng hơn so với những tháng trước đây nhưng theo PTS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Tình hình bệnh đau mắt đỏ đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bất thường hoặc đến mức cần báo động. Nguy cơ khan hiếm thuốc nhỏ mắt như năm 2013 cũng khó có thể xảy ra. Đau mắt đỏ thường gây dịch quy mô nhỏ, dễ lây lan nên gần như đã xảy ra hàng năm”.
Đồng tình với quan điểm này, BS Hoàng Cương khẳng định: “Kinh nghiệm cho thấy bệnh nhân sẽ giảm dần và gần như không xuất hiện nữa khi có đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về”.
Tuy vậy, nhưng các chuyên gia nhãn khoa vẫn khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh. Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền mạnh ở những nơi tập trung đông người, nhất là tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp.
“Trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5 - 7 ngày. Hệ thống Y tế học đường cần bảo đảm trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, sát trùng vật dụng chung hay sử dụng như: Các tay nắm cửa, nút bấm thang máy... Trong gia đình, cần cách ly người bệnh với người xung quanh, nói chuyện với bệnh nhân ở cự ly trên 80 cm, tránh bắt tay ôm hôn…”, BS Hoàng Cương cho biết.
Để phòng tránh căn bệnh này, Bộ Y tế cũng đặc biệt khuyến cáo người dân cần rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Rửa mắt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt và đồ đạc với người đau mắt. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt và đến những nơi đông người, đặc biệt nơi có nhiều mầm bệnh như BV. Đồng thời, hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm và đi bơi.
Phương Liên - Thu Trang