Đàm phán hạt nhân Iran: Chậm còn hơn không

Các cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã buộc phải kéo dài sang ngày 1/4, nhằm đi tới một thỏa thuận dù đã lỡ thời hạn chót.

Đàm phán căng thẳng

Mức độ căng thẳng trước hết được thể hiện qua độ dài của các cuộc tiếp xúc. Iran và Nhóm P5+1 đã có tới 6 ngày đàm phán marathon tại Laussane (Thụy Sĩ), kể cả trong khuôn khổ đa phương và song phương. Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm đã được đưa ra thảo luận nhằm tìm được tiếng nói chung. Đó là thời hạn mà Iran chấp nhận sẽ ngừng chương trình hạt nhân; quy mô, giới hạn chương trình hạt nhân mà Tehran được quyền theo đuổi sau khi hết hạn; việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế. Đi liền với đó là một loạt những vấn đề kỹ thuật hóc búa như số máy ly tâm Iran được phép giữ lại, việc xử lý lượng urani đã được làm giàu, cơ chế giám sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của Tehran, quy trình dỡ bỏ/áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran (lệnh cấm vận của Mỹ, của Liên minh châu Âu - EU, của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cấm vận đơn phương)…

Đàm phán hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 tại Laussane hôm 30/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngay tại thời điểm đàm phán bước vào thời khắc quyết định sau khi đã lỡ thời hạn chót (31/3), cả Mỹ và Iran vẫn tiếp tục theo đuổi quan điểm khá cứng rắn. Phát biểu trước báo giới, ông Hamid Baidinejad, thành viên phái đoàn Iran nói rằng, Tehran không cần một thỏa thuận hạt nhân kiểu “cho có”, quan trọng nhất là bảo đảm về “quyền hạt nhân”. Từ Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố nếu các bên không đạt được một thỏa thuận chính trị, Mỹ sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán, không cần đợi tới ngày 30/6 - thời hạn chót cho việc ký kết một thỏa thuận toàn diện.

Cho đến khi cuộc họp kết thúc tối muộn ngày 31/3, dư luận vẫn chưa thể chắc chắn về một “thỏa thuận sơ bộ” đã được định hình. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về tất cả các phương diện then chốt. Theo đó, thỏa thuận công nhận quyền được làm giàu urani vì mục đích hòa bình của Tehran, đặt chương trình hạt nhân của nước này dưới quyền kiểm soát toàn diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ngay lập tức, một số nhà ngoại giao phương Tây phủ nhận thông tin này, cho rằng phát biểu của Ngoại trưởng Nga là “chưa chính xác”.

Sẽ có kết cục chấp nhận được với cả hai?

Chưa biết kết cục đàm phán lần này sẽ đi tới đâu, nhưng chắc chắn một điều cả Mỹ và Iran đều muốn tìm kiếm tiếng nói chung. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hoãn kế hoạch trở về Mỹ, còn phái đoàn Iran cho biết có thể ở lại Laussane tới bất kì thời điểm nào để giải quyết các điểm còn bất đồng. Ngoại trưởng Javad Zarif thậm chí còn nói rằng đã tìm ra được giải pháp đối với mọi vấn đề trọng yếu và văn bản về các cuộc đàm phán sẽ sớm được soạn thảo. Hãng tin AP (Mỹ) trích dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng các nhà đàm phán đã mềm hóa ngôn từ, khi gọi đó là “thỏa thuận nhận thức chung” thay vì “thỏa thuận khung” như dự định ban đầu. Đi kèm với đó có thể sẽ là một tuyên bố chung về một giai đoạn đàm phán mới, các bước “sơ bộ” để giải quyết các điểm còn bất đồng trước ngày 30/6.

Lỡ thời hạn chót, nhưng bất kỳ một thỏa thuận nào được đưa ra tại thời điểm này đều có thể xem là điều chấp nhận được với cả Mỹ và Iran. Việc tự đặt ra thời hạn chót 31/3 vô tình đã đẩy Washington vào thế “lỡ đà” trong đàm phán. Giới phân tích chính trị tại Mỹ nhận định, một trong những lý do để Iran tạo sức ép trong vài ngày đàm phán cuối là vì họ thừa hiểu rằng những đồng cấp người Mỹ không thể về nước “trắng tay”. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang đứng trước những sức ép rất lớn từ Quốc hội. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa và kể cả đảng Dân chủ từng cảnh báo Nhà Trắng rằng, việc Iran không chấp nhận nhượng bộ để đi tới thỏa thuận thời hạn chót cho thấy không thể đặt niềm tin vào Tehran. Thất bại tại Laussane sẽ là thời cơ để Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số gia tăng áp lực cấm vận chống Tehran. Hồ sơ Iran - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Obama, khi đó sẽ thực sự bế tắc.

Về phần mình, khoảng thời gian từ 31/3 - 30/6 (thời hạn chót cho thỏa thuận sơ bộ và thỏa thuận toàn diện) cho phép Tehran có thể lựa chọn được các chiến thuật đàm phán, khi mà thỏa thuận tạm thời (ký tháng 11/2013) vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, chính Iran cũng thừa hiểu rằng không thể đóng mọi ngả đường đi tới đồng thuận. Tổng thống Hassan Rouhani đang theo đuổi một nghị trình chính trị đầy tham vọng, cam kết khôi phục, phát triển nền kinh tế - điều chỉ có thể xảy ra khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Hoài Thanh
Chi tiết thỏa thuận khung chương trình hạt nhân Iran
Chi tiết thỏa thuận khung chương trình hạt nhân Iran

Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng có thể đạt được trước 30/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN